Cận cảnh quy trình sản xuất bánh trung thu giá 2.000 đồng từng gây sốt trên mạng
Nhào nặn bột, làm nhân, đóng khuôn bánh,... cũng là một trong số những công đoạn làm ra được một chiếc bánh trung thu 2k ở Cao Bằng. Chủ một cửa hàng địa phương cho biết, sở dĩ giá bánh có thể rẻ như vậy là do thị trường cạnh tranh và sản phẩm không cần quá cầu kì.
Nhiều ngày nay, trên khắp các diễn đàn đang xôn xao thông tin rao bán loại bánh nướng giá rẻ. Sản phẩm có 2 loại là bánh nướng nhân thập cẩm và nhân đậu xanh được giới thiệu là có nguồn gốc xuất xứ từ Cao Bằng.
Qua tìm hiểu, được biết, loại bánh này thực chất chỉ có giá khoảng 2.000 đồng/chiếc khiến nhiều người hoang mang, lo lắng về chất lượng thực sự của chúng. Để có cái nhìn rõ ràng và khách quan hơn, chúng tôi đã có mặt tại Cao Bằng để tìm hiểu về quy trình sản xuất loại bánh này.
Lần theo những thông tin mà các lò làm bánh nướng rao bán tràn lan trên mạng xã hội, chúng tôi đã gọi điện thoại cho chị Lý Thị Mọn (SN 1967) - chủ lò bánh nướng Hải Đăng nằm tại tổ 12, thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) và đã được chị đồng ý cho ghi hình lại toàn bộ quy trình sản xuất bánh tại cơ sở của chị mà con dâu chị Mọn đã đăng tải hình ảnh bán bánh nướng giá 2.000 đồng vừa qua.
Nguyên liệu tạo vỏ bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng
Nhân bánh có 2 loại là nhân thập cẩm và đậu xanh.
Sau khi nặn, bánh sẽ được đưa vào khuôn để tạo hình.
Chị Mọn cho biết, cơ sở của chị được thành lập từ 4 năm trước, người làm công có 2 – 3 người và có đầy đủ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Nguyên liệu để làm bánh nướng nhân đậu xanh và nhân thập cẩm chủ yếu là gạo nếp, bột mì, mứt, lạc vừng, vani, dầu chuối, trứng gà. Các nguyên liệu này được chị nhập hoàn toàn tại địa phương, riêng bột mì chị Mọn mua từ Thái Nguyên.
Mỗi mẻ bánh nướng chị dùng 5kg bột mì, 4kg gạo nếp. Khi làm bánh, gạo nếp phải được rang khô, đem nghiền thành bột sau đó trộn với bột mì làm vỏ bánh. Còn nhân bánh là đậu xanh, lạc, mứt, vừng… Với từng này nguyên liệu, chị Mọn cho ra lò mỗi mẻ khoảng 200 chiếc bánh. Giá bán đối với nhân đỗ xanh 20.000 đồng/cọc, nhân thập cẩm 10.000 đồng/cọc (mỗi cọc 5 chiếc bánh), hạn sử dụng đối với các loại bánh này mùa hè 15 ngày, mùa đông 20 ngày.
Sau đó được đem vào lò nướng.
Cận cảnh chiếc bánh sau khi hoàn thiện.
Lý giải vì sao chiếc bánh chỉ có 2.000 đồng, chị Mọn chia sẻ: "Thứ nhất là do cạnh tranh thị trường với các cơ sở ở huyện Hạ Lang, bên đó họ bán rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 8 – 9 nghìn đồng/cọc 5 chiếc bánh. Thứ hai, mình chỉ làm khi có khách đặt hàng nên các sản phẩm đều không có tình trạng tồn đọng, bao bì không cần cầu kì chỉ cần bảo quản được sản phẩm nên không phát sinh thêm chi phí".
Thị trường tiêu thụ của cơ sở chị Mọn chỉ tập trung tại địa phương Trùng Khánh mỗi ngày khoảng trên 500 chiếc, mùa cưới thì số lượng bánh bán ra trên 1.000 chiếc bánh.
Bánh chỉ có giá 2.000 đồng/chiếc
Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cửa hàng nhà bà Mọn.
Chị Nguyễn Thị Ánh (34 tuổi) người dân tại thị trấn Trùng Khánh cho biết: "Bánh nướng do cơ sở chị Mọn sản xuất có vị ngon, không ngấy, không chất bảo quản và là địa chỉ tin cậy của người dân địa phương nơi đây mỗi khi đến các ngày lễ, đám cưới".
Khi con dâu chị rao bán trên các trang mạng xã hội, đã có rất nhiều người đặt hàng bánh nướng do cơ sở chị sản xuất. Cũng có nhiều người tiêu dùng ở các địa phương khác băn khoăn về chất lượng và nguồn gốc nguyên liệu. Để tạo lòng tin đối với khách hàng, gia đình chị đều cung cấp đầy đủ toàn bộ hình ảnh nguyên vật liệu làm bánh và sẵn sàng cho khách tham quan cơ sở khi khách hàng yêu cầu.