Cận cảnh quá trình cấy chip điện tử vào cơ thể của các hacker sinh học
Sự bùng nổ công nghệ khiến con người có thể làm được những điều tưởng chừng như chỉ có trong phim viễn tưởng: cấy chip điện tử vào chính cơ thể mình.
Biohacker là một khái niệm mới trong vài năm gần đây để chỉ những người tự mình cấy những thiết bị công nghệ điện tử vào cơ thể. Những hacker sinh học, hay còn gọi là những người “bẻ khóa sinh học”, “người điện tử” mong muốn đạt được những khả năng mà cơ thể bình thường không có được. Nếu thành công, cách làm này có thể tạo cho con người những khả năng phi thường giống như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nó cũng gây nên một số tranh cãi về tác dụng thật sự cũng như nguy cơ đối với sức khỏe và cả vấn đề đạo đức.
Osterlund là ông chủ sở hữu một studio xăm mình riêng ở Thụy Điển. Tuy nhiên, trong căn phòng hiện giờ, anh đang chuẩn bị mọi bước cho một ca “xăm” đặc biệt, cấy một con chip mang tên Northstar 1 vào tay của Shaw Sarver, một biohacker của Grindhouse Wetware.
Những con chíp điện tử được cấy vào cơ thể.
Jowan Osterlund đặt các dụng cụ của mình lên bàn, rồi đeo găng tay và mặt nạ. Anh tẩy sạch da Sarver, cạo lông tay xung quanh khu vực cần cấy ghép. Ai cũng phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Sau đó, anh kẻ một đường đánh dấu những vết rạch và dẫn Sarver đến bàn khác và trải ra một miếng vải phẫu thuật. Sarver khá bình tĩnh chờ đợi các thủ tục tiếp theo.
Con chip sáng Northstar V1 nhỏ cỡ 1 đồng xu. Osterlund rạch một đường bằng con dao nhỏ, nâng phần da của Sarver lên để đặt con chip vào. Sarver nhăn mặt khi máu bắt đầu chảy trong khi Osterlund tiếp tục đẩy con chip vào cánh tay. Sau đó, Osterlund khâu vết thương vầ băng bó lại. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng hơn 15 phút.
Quy trình cấy ghép.
Sarver nói sau ca cấy ghép: “Các vết khâu thật sự rất khó chịu khi nó cứ chạm vào áo của tôi”. Sarver đặt nam châm trên cẳng tay, ở vị trí của con chip, 5 đèn LED nhỏ đã được kích hoạt và sáng lên trong 10 giây. Chúng tôi đặt nó ở chế độ năng lượng thấp. Sau khi sáng lên 10 giây, nó sẽ chuyển sang chế độ ngủ”.
Sau đó đến lượt của Tim Cannon, người đồng sáng lập Grind Wetware. Mới đầu con chip không vừa khiến Osterlund phải mở rộng vết rạch. Cannon gần như không dám nhìn trong suốt ca cấy ghép.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao những người như Sarver hay Cannon lại muốn một con chip phát sáng dưới da mình. “Cộng đồng những biohacker muốn như vậy. Nhiều người muốn hình xăm của họ sáng lên, và họ đã liên lạc với chúng tôi”, Sarver cho biết.
“Chúng tôi muốn biến khoa học viễn tưởng thành hiện thực. Nhưng nó đòi hỏi phải có những nghiên cứu trong hàng chục năm. Những người ở Grindhouse Wetware không phải là chuyên nghiệp. Họ chỉ làm vì đam mê và lí tưởng khoa học”.
Những con chíp có thể phát sáng dưới da như thế này.
Đây mới chỉ là ca cấy ghép đầu tiên của Northstar V1. Cannon dự kiến bán nó rộng rãi tại các studio xăm mình. Cannon còn tham vọng công nghệ này sẽ phát triển đến một mức cao hơn, chẳng hạn như một con chip ở trong tim sẽ cảnh báo người dùng trước những cơn đau tim, hay biến bàn tay thành thiết bị điều khiển các con chip trong cơ thể.
Vào hồi tháng 9, một biohacker người Úc có tên Alex Smith đã gây xôn xao khi tự nhận mình là một “người điện tử” (cyborg). Anh nói mình có thể mở các cánh cửa bằng thao tác vẫy tay, tự đo nhiệt độ bên trong cơ thể hay mở khóa chiếc điện thoại thông minh của mình nhờ 5 con chip nhỏ hơn hạt gạo được cấy trong người.
Giờ đây, sự bùng nổ công nghệ khiến con người có thể làm được những điều tưởng chừng như chỉ có trong phim viễn tưởng. Biohacker lợi hay hại nhiều hơn vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
(Nguồn: Motherboard)