Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Trải qua 3 thế kỷ, cầu Long Biên hiện nay đã và đang xuống cấp đáng báo động, hiện tại phía Bộ GTVT đã đưa ra phương án gia cố, sửa chữa từ nay cuối tháng 6 đến hết năm 2015.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 đoạn Yên Viên-Ngọc Hồi hoàn thành và đưa vào khai thác.
Do tình trạng mất an toàn, Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 298 tỷ đồng, thời gian thực hiện hoàn thành đến hết quý 4/2015.
Ghi nhận của chúng tôi tại cầu Long Biên, hiện tại trên cầu có hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hóa thực hiện thi công các công việc tu sửa, gia cố tuyến đường sắt chạy qua đây. Theo các công nhân thì những thanh tà vẹt bằng gỗ có hiện tượng mục ruỗng sẽ được thay thế.
Hàng trăm thanh tà vẹt bằng gỗ mới được công nhân tiến hành đục đẽo để khớp với đường ray ngay trên khuôn viên cầu. Tuy nhiên việc thi công gia cố, sửa chữa cũng cố gắng đảm bảo an toàn tuyệt đối với người dân cũng như các phương tiện giao thông khi qua đây.
Để gia cố các thanh sắt, giằng sắt trên cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH 1 thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hóa cho công nhân tôi luyện đinh ốc.
Để đảm bảo đinh ốc không bị nguội, các công nhân tiến hành tung hứng. Một công nhân cho biết: "Do có kinh nghiệm lâu năm nên việc tung hứng các đinh ốc còn đỏ rực trở nên dễ dàng và khá an toàn".
Một công nhân dùng kìm sắt gắp đinh ốc chuyển cho công nhân khác để tiến hành đóng và gia cố các thanh sắt trên cầu.
Tiếp đó, các công nhân phụ trách đóng và ép đinh ốc sẽ tiến hành công việc của mình. Việc nung các đinh ốc lên ở nhiệt độ cao rồi mới đóng sẽ giúp cho đóng đinh ốc dễ dàng và có độ bám chắc chắn hơn rất nhiều so với đóng thông thường.
Dưới gầm cầu là một đại công trường để công nhân thi công nhiều chi tiết thuộc đường ray, thanh sắt, kết cấu chi tiết của cầu.
Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng để đảm bảo tiến độ, công nhân luôn làm việc một cách khẩn trương, mau lẹ.
Hàng chục chiếc máy móc gia công sắt thép được đưa vào sử dụng tại khu vực này.
Ở mỗi chiếu nghỉ giữa cầu, máy phát điện, máy khoan, máy ép đinh ốc được tập kết phục vụ công việc thi công, gia cố cầu.
Nhiều máy phát điện được điều động tới phục vụ quá trình thi công, sửa chữa, gia cố cầu.
Khu nhà ở của công nhân được lắp đặt ngay dưới bãi bồi chân cầu phục vụ hàng trăm chỗ ở cho công nhân.
Việc thi công, sửa chữa, gia cố sẽ diễn ra từ đây đến quý 4/2015, việc thi công được các đơn vị đảm nhiệm luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.