Mục sở thị sự xuống cấp đáng sợ của cầu Long Biên
Trải qua hơn 100 năm, với sự tàn phá của chiến tranh, mưa gió đến nay cầu Long Biên đang rơi vào giai đoạn xuống cấp đáng báo động.
Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902 thì hoàn thành. Từ đó đến nay, với người Hà Nội cây cầu là biểu tượng, là linh hồn cũng như một phần máu thịt của người dân.
Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ 1(1965-1968), cầu bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ hai, không lực Hoa Kỳ (1972) ném bom cầu Long Biên 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Để bảo vệ cầu, bộ đội công binh và phòng không Việt Nam xây dựng hai trận địa pháo phòng không cao 11,5 m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi giữa), để vẫn có thể bắn máy bay địch khi có lũ cao nhất.
Hiện nay, cây cầu bị xuống cấp một cách trầm trọng, mặc dù hàng năm cầu đều được bảo dưỡng, bảo trì, gia cố.
Theo ghi nhận của chúng tôi thì ở nhiều trụ cột, dầm thép đã bị mưa gió ăn mòn khiến chúng chỉ còn mỏng tang như tờ giấy.
Đặc biệt, có nhiều trụ cầu thép bị ăn mòn một cách khó tin. Nhiều người chứng kiến cảnh tượng này không khỏi hốt hoảng.
Lớp sơn mỏng đã bị bong tróc
Một thanh dầm thép bị mục ruỗng hoàn toàn, các chi tiết đinh ốc cũng không còn.
Hay một thanh thép gần bị rơi ra khỏi kết cấu do bị ăn mòn quá nhiều.
Ngay cả lan can cầu cũng bị bong tróc, mất hẳn chân gây nguy hiểm cho người dân nếu tựa mạnh vào.
Trên phần đường đi bộ nhiều đoạn thép bị đứt hoàn toàn.
Trước tình hình cấp bách xảy ra tại cầu Long Biên này, mới đây Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị chỉ định thầu cấp bách để triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Những trụ cầu, trụ bảo vệ chân cầu đã bị xuống cấp, nếu không có phương án cải tạo, bảo trì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong nhiều năm tới.
Về độ an toàn của hai làn đường bộ của cầu, đơn vị quản lý cầu đánh giá, lớp bê tông mỏng được đặt trên dầm thép khá mỏng, nhiều điểm xuất hiện ổ gà, vết nứt. Những dầm thép này cũng có nhiều mối mọt nếu không đầu tư sửa chữa kịp thời sẽ khó lường trước rủi ro xảy ra.
Người Hà Nội cũng như người dân cả nước mong muốn cây cầu lịch sử này sẽ được gia cố, sửa chữa sớm để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như giúp cây cầu sống mãi với thời gian.