Căn bệnh khiến nghệ sỹ Lý Huỳnh qua đời nguy hiểm như thế nào?

N. Huyền ,
Chia sẻ

Nghệ sĩ Lý Huỳnh, cha đẻ diễn viên Lý Hùng vừa qua đời do thời gian dài mắc tiểu đường (ĐTĐ) suy tim, suy thận...

Căn bệnh khiến nghệ sỹ Lý Huỳnh qua đời nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Căn bệnh khiến bố đẻ diễn viên Lý Hùng qua đời nguy hiểm như thế nào?

Chia sẻ về căn bệnh ĐTĐ là nguyên nhân gây biến chứng suy thận, suy tim này TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho bết, đái tháo đường là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính: Tăng glucose máu; kết hợp với những bất thường về chuyển hóa carbonhydrat, lipid và protein; bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác.

Bệnh ĐTĐ được chia làm các tuýp chính:

Đái tháo đường týp 1: Loại bệnh ĐTĐ này thường gặp ở trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành.

Người mắc ĐTĐ tuýp 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn đã tấn công các tế bào bêta trong tuyến tuỵ làm cho tế bào này không còn sản xuất được insulin.

Khi không có insulin cơ thể sẽ không sử dụng được glucose, do đó glucose trong máu sẽ tăng rất cao. Lúc này, người bệnh cần được tiêm insulin để duy trì cuộc sống.

Đái tháo đường tuýp 2: Đây là loại ĐTĐ thường gặp, chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 90%). Giai đoạn đầu, ở người bệnh ĐTĐ tuýp 2, tế bào bêta tụy vẫn còn sản xuất insulin, nhưng các tế bào của cơ thể không thể sử dụng nó để đưa glucose vào trong tế bào – nơi chuyển hóa glucose thành năng lượng để nuôi cơ thể (hiện tượng đề kháng insulin).

Bệnh tiến triển dần dần, theo thời gian, glucose sẽ tăng cao trong máu. Bệnh thường liên quan đến béo phì và ít vận động, béo phì và ít vận động làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ týp 2.

Đái tháo đường thai kỳ: Thể ĐTĐ xảy ra ở phụ nữ mang thai và đa số bệnh tự hết sau khi sinh. Tuy vậy, nếu mắc ĐTĐ thai kỳ có thể gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ mắc ĐTĐ thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh ĐTĐ tuýp 2 sau này.

Các thể đái tháo đường khác: Do sỏi tụy, do thuốc, hóa chất, do các bệnh nội tiết khác,...

Triệu chứng chung của người mắc đái tháo đường thường khát, uống nhiều, đi tiểu thường xuyên, đặc biệt ban đêm. Người mắc đái tháo đường cũng sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, uể oải không rõ nguyên nhân, sút cân.

“Đối với người mắc ĐTĐ tuýp 1 còn có thể có các biểu hiện đi kèm như nhiễm nấm, viêm đường tiết niệu. Các triệu chứng ít gặp hơn là: Chuột rút, táo bón, nhìn mờ, nhiễm trùng da tái diễn...

Ở ĐTĐ tuýp 2, đáng ngại là các triệu chứng có thể không được nhận ra trong nhiều năm. Thường chỉ tới khi có biến chứng như loét chân hoặc nhìn mờ thì bệnh mới được chẩn đoán. Nên nhớ, các triệu chứng giai đoạn đầu thường mờ nhạt, các dấu hiệu không xuất hiện cùng lúc. Vì thế, cần phải xác định xem mình có yếu tố nguy cơ không để kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh ĐTĐ; tốt nhất nên xét nghiệm máu để được chẩn đoán ngay trong giai đoạn tiền ĐTĐ”, TS Đỗ Đình Tùng nhấn mạnh.

Theo PGĐ BV Xanh pôn, các biến chứng của bệnh đái tháo đường gồm cấp tính và mãn tính. Biến chứng cấp tính có khi ngay tại thời điểm được chẩn đoán đã mắc các biến chứng. Mức độ biến chứng ĐTĐ nặng dần theo thời gian mắc bệnh. Nếu không được điều trị tốt, biến chứng có thể làm người bệnh tàn phế, thậm chí tử vong.

Người ĐTĐ có thể bị một hay nhiều biến chứng như: có thể gây hôn mê nhiễm cetone hay hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hạ đường huyết là biến chứng cấp tính, thường do quá liều thuốc, đặc biệt quá liều insulin gây nên. Có thể do bệnh nhân nhịn đói, kiêng khem quá mức hay do uống nhiều rượu. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hôn mê và thậm chí tử vong.

Biến chứng mạn tính thường ảnh hưởng đến hệ tim mạch, thận, mắt, bàn chân. Người mắc ĐTĐ thường tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại biên đưa đến phải cắt cụt chi.

Ngoài ra, bệnh lý võng mạc do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, giảm thị lực. Biến chứng thận cũng là biến chứng mạn tính thường gặp của người mắc ĐTĐ, gây bệnh thận giai đoạn cuối, suy thận.

Cuối cùng là biến chứng bàn chân ở người mắc ĐTĐ. Theo đó, tổn thương thần kinh ngoại biên do ĐTĐ gây mất cảm giác ở chân, hay dị cảm, tê bì, gây đau nhức,… bàn chân bị biến dạng, tăng áp lực dẫn đến chai chân lâu dần sẽ loét, nếu kèm theo nhiễm trùng sẽ dẫn tới nguy cơ phải cắt cụt. Theo thống kê trên thế giới, trung bình cứ 20 giây có một người phải cắt cụt chi do biến chứng của đái tháo đường.

Chia sẻ