"Cãi lời" bác sĩ vì cho rằng bệnh mình mắc phải là "bệnh đàn ông", ít lâu sau người phụ nữ ói ra máu, không thể đi đứng được

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Cho rằng bác sĩ phán đoán sai vì bệnh này chỉ đàn ông hay ăn nhậu mới mắc phải, người phụ nữ không điều trị theo chỉ dẫn. Hậu quả là bệnh nhân đau đớn dữ dội, ói ra máu, đi tiêu phân đen và không thể đi đứng được.

Đó là trường hợp của cô T.N.C. (57 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh). Cách đây 1 năm, bệnh nhân có những cơn đau kéo dài 1-2 ngày và lặp lại mỗi 2, 3 tháng ở khớp bàn chân. Cô có đi khám tại bệnh viện (BV)  tỉnh và được chẩn đoán mắc gout. 

Thế nhưng người bệnh không tin mình bị gout vì cho rằng chỉ có đàn ông "ăn nhậu" nhiều mới bị bệnh, trong khi mình chẳng bao giờ nhậu nhẹt.

Nghĩ bác sĩ đã chẩn đoán sai bệnh, người phụ nữ tự ý mua thuốc đau khớp bên ngoài uống. Sau 2 ngày dùng thuốc tình trạng đau của cô đã không còn. Vì vậy bệnh nhân rất chủ quan và mỗi lần cơn đau tái phát, cô lại mua loại thuốc đó về uống. 

Cách đây 4 tháng, bệnh tình của cô N. diễn tiến nặng hơn với những triệu chứng đau nóng dữ dội, kéo dài ở các khớp gối, cổ chân và các khớp ngón bàn chân. 

Cãi lời bác sĩ vì cho rằng bệnh mình mắc phải là bệnh đàn ông, ít lâu sau người phụ nữ ói ra máu, không thể đi đứng được - Ảnh 1.

Người phụ nữ mắc bệnh gout điều trị tại BV Đại học Y dược TP.HCM.

Người bệnh được đưa đến BV Đại học Y dược (ĐHYD) TP.HCM  trong tình trạng đi tiêu phân đen, ói ra máu và không thể đi dứng được. 

Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cô bị gout và bị xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc cô đã tự điều trị. Lúc này, cô N. mới tá hỏa tin rằng mình bị gout. 

May mắn là sau khi điều trị bằng thuốc đặc trị và tái khám theo chỉ định, tình trạng người bệnh đã ổn định, các cơn đau đã không còn và cô N. có thể đi lại được bình thường.

Bác sĩ Cao Thanh Ngọc, Trưởng Đơn vị Nội Cơ xương khớp BV ĐHYD cho biết, tại phòng khám của khoa có đến có đến 25% đối tượng bị gout là phụ nữ đến khám và điều trị. 

Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc gout vì những thay đổi về nội tiết tố trong giai đoạn này dẫn đến rối loạn chuyển hóa nhân purin. Thế nhưng đa số nữ giới thường mặc định Gout là bệnh của các quý ông nên không nghĩ mình bị gout và tự mua thuốc điều trị, đặc biệt là những thuốc có chứa corticoids dưới dạng "thuốc nam, thuốc bắc, thảo dược, thuốc gia truyền…".

"Đến khi tình trạng bệnh diễn biến nặng gây đau nhức dữ dội  hoặc xuất hiện biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như xuất huyết tiêu hóa, suy giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, viêm phổi, xẹp đốt sống bệnh nhân mới đến BV.... 

Phụ nữ bị bệnh gout có nhiều khả năng mắc các bệnh khác kèm theo như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh thận và bệnh tim mạch. Điều này có thể làm cho việc điều trị bệnh khó khăn hơn" - Bác sĩ Ngọc cảnh báo.

Theo bác sĩ, gout là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng các tinh thể urate ở các mô, đặc biệt ở khớp và thận. 

Gout biểu hiện bằng những đợt viêm khớp cấp tính và sau đó tiến triển thành mạn tính. Triệu chứng đặc trưng của cơn gout cấp là khởi đầu đột ngột với tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội thường ở một khớp, đặc biệt là khớp bàn ngón chân cái, làm hạn chế vận động. 

Cãi lời bác sĩ vì cho rằng bệnh mình mắc phải là bệnh đàn ông, ít lâu sau người phụ nữ ói ra máu, không thể đi đứng được - Ảnh 2.

Đau dữ dội ở khớp ngón chân cái, bạn có thể đã mắc bệnh gout.

Bệnh gout thường ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới. Khi nặng hơn hoặc tiến triển mạn tính, nhiều khớp có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc dẫn đến đau và cứng khớp, hình thành hạt tophi ở khớp, bệnh thận do gout. 

Đa số người mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. 

Nhiều người bệnh chỉ dùng thuốc khi có các triệu chứng sưng đau khớp. Sau đó khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc. 

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh Gout trong cộng đồng là 0,14% dân số và chiếm 8% số lượng người bệnh điều trị nội trú tại khoa cơ xương khớp của BV (thống kê năm 2002). Riêng ở BV ĐHYD, số người mắc gout chiếm khoảng 1/3 tổng số lượng người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp.

Dù vậy, bác sĩ Ngọc cho biết gout không phải là một bệnh khó điều trị. Điều quan trọng là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để giúp cải thiện bệnh, giảm nguy cơ tàn phế. 

Khi thấy những dấu hiệu sưng, đỏ và đau không đối xứng ở tay, ngón chân cái, mắt cá chân… người dân nên lập tức đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Chia sẻ