Cách nhận biết liệu bản thân có đang "chết chìm" trong một mối quan hệ bế tắc
Chỉ cần một chút tinh ý là bạn đã có thể nhận biết và đưa bản thân thoát khỏi mối quan hệ tồi tệ...
Một tình yêu đẹp, lãng mạn là điều ai cũng mong muốn. Tuy vậy, không phải mối quan hệ nào cũng đem đến cho bạn những cảm giác ngọt ngào tuyệt vời và hạnh phúc. Đôi lúc, chúng gây ra sự mệt mỏi cũng như không ít phiền toái cho cả hai. Những dấu hiệu dưới đây sẽ cho bạn biết liệu bản thân có đang “chìm” trong một mối quan hệ không lành mạnh hay không:
Thiếu niềm tin dành cho đối tác
Bạn có nhận thấy mối quan hệ mà mình sở hữu luôn bị đe dọa bởi những nhân tố bên ngoài, luôn mong manh và phải tìm mọi cách để níu giữ? Bạn mệt mỏi khi luôn phải để ý, theo dõi mỗi khi chàng ra ngoài hay chán nản với việc kiểm tra xem điện thoại chàng mỗi lần anh ấy ghé chơi? Nếu mối quan hệ mang đến cho bạn quá nhiều áp lực như vậy, đây khó có thể trở thành động lực cũng như nhân tố khuyến khích bạn phát triển và hoàn thiện trở thành người tốt hơn. Do đó, nếu như thay vì hỏi thẳng mục đích người yêu ra ngoài vào buổi tối, bạn lại lục lọi facebook hoặc lén xem điện thoại chàng thì đã đến lúc nghiêm túc nhìn nhận lại mối quan hệ mình đang sở hữu.
Bạn phải đánh đổi các mối quan hệ xã hội cho tình yêu
Nếu cảm thấy mất quá nhiều thời gian vào tình yêu và phải loại bỏ bớt những mối quan hệ mình đang sở hữu thì đã đến lúc cân bằng lại mọi chuyện. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ không lấy đi tất cả thời gian bạn dành cho người thân, gia đình và bạn bè. Điều này chỉ xảy ra khi anh chàng của bạn có tính sở hữu quá cao hoặc bạn đang đắm chìm vào tình yêu quá nhiều. Trong trường hợp này, hãy tham khảo ý kiến một vài người thân. Chắc chắn họ sẽ có cái nhìn toàn diện và công bằng hơn cho mối quan hệ của bạn.
Ảnh minh họa
Thiếu tôn trọng lẫn nhau
Tôn trọng là yếu tố thiết yếu cần có trong mỗi mối quan hệ. Một chàng trai tốt sẽ không vì những bất đồng quan điểm trong cuộc tranh cãi mà buông lời lẽ nặng nề, xúc phạm đến bạn. Đó là dấu hiệu hàng đầu báo hiệu một mối quan hệ không lành mạnh. Nên nhớ rằng mối quan hệ không thể thiếu vắng những cuộc tranh luận bởi chúng sẽ giúp cả hai chia sẻ quan điểm cũng như tìm được tiếng nói chung. Nếu không thể cùng người ấy thảo luận trong hòa bình, chắc chắn bạn khó có thể kéo dài mối quan hệ đó.
Không chân thật
Không thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ bản thân cũng là một trong những dấu hiệu đáng báo động cho mối quan hệ của bạn. Tồi tệ hơn, khi bạn cảm thấy muốn che giấu sự thật hoặc lảng tránh câu hỏi của chàng, mối quan hệ của bạn chắc chắn đang gặp rắc rối không hề nhỏ. Nên nhớ rằng, chìa khóa của một mối quan hệ bền vững chính là sự chân thành. Nếu bạn không thể thẳng thắn trò chuyện cùng chàng, chắc chắn mối quan hệ đó khó có thể bền vững và lâu dài.
Luôn tìm cách thay đổi đối tác
Thay đổi bản thân để trở thành con người hoàn thiện là điều tốt nhưng nếu bạn luôn mong muốn đối tác thay đổi và trở thành người phù hợp với mình thì rất tiếc, bạn đang tự biến mối quan hệ của mình trở nên nặng nề hơn.
Không một ai sinh ra đã là của nhau và do đó, để thực sự hòa hợp và gắn bó cần sự nỗ lực của cả hai phía. Thay vì cố gắng tìm cách thay đổi chàng, hãy nhẹ nhàng chia sẻ suy nghĩ của mình đồng thời sẵn sàng thay đổi bản thân để phù hợp với chàng hơn.