Các ông bố bà mẹ trả lời câu hỏi khó: Nếu con em mình là nạn nhân của ấu dâm, nên đấu tranh công khai hay im lặng?

Team Quyền an toàn,
Chia sẻ

99% phụ huynh khi được hỏi, đều kiên quyết cho rằng mình sẽ không bao giờ im lặng. 1% còn lại cũng chọn như vậy, nhưng phải tùy vào cảm xúc và suy nghĩ của con mình.

Trong vòng hơn 1 tháng, từ tháng 3 đến bây giờ, liên tiếp những vụ ấu dâm và xâm hại trẻ em được phát hiện ra, từ chung cư, công viên cho đến trường học, với nghi phạm toàn những đối tượng không ai nghĩ tới như cụ già 70 tuổi, cán bộ về hưu... khiến cho dư luận vô cùng phẫn nộ, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ.

Đặc biệt là vụ ấu dâm tại chung cư Galaxy ở Sài Gòn gây chấn động xảy ra vào ngày 1/4, càng làm sự phẫn nộ của quần chúng tăng lên đỉnh điểm, tranh cãi rất nhiều xoay quanh diễn biến vụ việc. 

Thông tin mới nhất từ cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP.HCM cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh - Nguyên Viện phó VKSND TP. Đà Nẵng, vì hành vi ôm, hôn bé gái lớp 2 trong thang máy tối 1/4. Rất nhiều người cảm thấy vui mừng vì sự đấu tranh lên tiếng của cộng đồng đã có hiệu quả.

Song, đó mới chỉ là tín hiệu tốt ban đầu mà thôi. Còn phải trải qua quá trình điều tra tố tụng để xác định ông Linh được tuyên có tội hay không, dù trước đó người giám hộ của em bé đã đề nghị dừng điều tra vụ án.

Vụ việc này chỉ là một trong số những vụ xâm hại trẻ em gây phẫn nộ dư luận.  Nhóm PV Quyền an toàn đã hỏi ý kiến rất nhiều cha mẹ có con cháu nhỏ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn về việc nên ứng xử thế nào trong trường hợp đó. Đa phần đều đưa ra quan điểm vô cùng mạnh mẽ rằng những kẻ ấu dâm sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật, và không ai muốn im lặng dung túng cho tội ác ghê tởm đó.

Sự đồng lòng của các ông bố bà mẹ khi được hỏi có nên im lặng khi con em mình bị ấu dâm?

Là một bà mẹ có đến 3 cô con gái, đều đang tuổi ăn tuổi lớn, trong đó nhỏ nhất mới hơn 5 tuổi, chị Hải Đường (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng bản thân chị khá buồn khi đọc thông tin về những kẻ ấu dâm.

Phỏng vấn các ông bố bà mẹ có con nhỏ: Nếu con em mình là nạn nhân bị ấu dâm, nên chọn đấu tranh hay im lặng? - Ảnh 2.

"Tôi có theo dõi tất cả những vụ xâm hại, đụng chạm trẻ em gần đây và thực sự rất lo lắng cho các con mình, bởi hầu hết những nơi mà chúng tôi - người làm cha mẹ, nghĩ rằng an toàn nhất như trường học, xung quanh nhà, lại là nơi kẻ xấu rình rập làm chuyện đồi bại.

Cá nhân tôi vẫn luôn dặn các con rất kỹ về việc tự bảo vệ bản thân khi không có người lớn bên cạnh, mặc dù tôi rất hạn chế để các cháu đi một mình, nhưng mình không thể 24/24 ở cùng con được, nên tôi luôn dạy con không cho người lạ đến gần, có biểu hiện không bình thường là phải chạy đến chỗ đông người kêu cứu ngay. Tôi nghĩ việc phụ huynh im lặng không truy cứu là bởi còn người bao che cho những kẻ xâm hại, không quyết liệt trước hành vi đó. Không nên làm vậy, mà chúng ta cần phải quyết liệt hơn để xã hội an toàn hơn".

Phỏng vấn các ông bố bà mẹ có con nhỏ: Nếu con em mình là nạn nhân bị ấu dâm, nên chọn đấu tranh hay im lặng? - Ảnh 3.

Phỏng vấn các ông bố bà mẹ có con nhỏ: Nếu con em mình là nạn nhân bị ấu dâm, nên chọn đấu tranh hay im lặng? - Ảnh 4.

Giống như chị Hải Đường, tất cả các ông bố bà mẹ khác khi được hỏi đều khẳng định họ sẽ không im lặng nếu con em mình là nạn nhân bị ấu dâm. Đặc biệt là các ông bố, họ đều chia sẻ rằng sẽ rất tức giận và nhất định sẽ đòi lại công bằng cho con mình. Trong khi đó, một số bà mẹ lại suy nghĩ khá lâu, lựa chọn theo cảm xúc và mong muốn của con mình, tùy vào mức độ con bị xâm hại để quyết định việc tố cáo đến cùng, chứ không chọn làm theo lý trí một cách cứng nhắc, tránh gây tổn thương cho con trẻ.

Một số phụ huynh tỏ ra ngần ngại khi được hỏi nếu con họ là nạn nhân bị ấu dâm thì sẽ phản ứng ra sao, bởi họ chưa đối mặt với tình huống đó thực tế nên họ không chắc chắn về cảm xúc, hành động của mình. Tuy nhiên, hầu hết đều chọn lắng nghe tâm sự của con, theo dõi tâm lý con mình để có biện pháp phù hợp. Đôi khi, sự phẫn nộ của người lớn lại dễ gây tổn thương sợ hãi cho con trẻ, nên không phải lúc nào cũng có thể lên tiếng tố cáo công khai.

Phụ nữ, trẻ em phải được an toàn dù ở bất cứ nơi đâu. Hãy lên tiếng cùng aFamily trong chiến dịch "Quyền an toàn" để chặn đứng xâm hại, sàm sỡ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, vì một cộng đồng tốt đẹp hơn!

Đã đến lúc lên tiếng. Im lặng là thỏa hiệp với tội ác.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại ĐÂY hoặc qua email doisong@afamily.vn và Fanpage chính thức của aFamily để góp tiếng nói của mình vào chiến dịch này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bí mật danh tính của bạn.


Chia sẻ