Các ngân hàng lớn bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, chính thức ghi nhận mốc cao mới

Thu Thuỷ,
Chia sẻ

Chỉ sau 1 đêm, lãi suất huy động đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn trước khá nhiều. Không chỉ tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần, nhiều nhà băng còn tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5-0,7%/năm.

Chỉ sau 1 đêm, lãi suất huy động đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn trước khá nhiều. Không chỉ tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch trần, nhiều nhà băng còn tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5-0,7%/năm.

Các ngân hàng lớn bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, chính thức ghi nhận mốc cao mới - Ảnh 1.

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành, trong đó tăng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng thêm 1% lên 5%/năm. Như dự báo của nhiều chuyên gia, ngay sau động thái này, loạt ngân hàng thương mại cũng công bố biểu lãi suất huy động mới và đồng loạt tăng mạnh không chỉ ở kỳ hạn ngắn mà còn các kỳ hạn dài. Trong đó, nhiều ngân hàng lớn tăng lãi suất lên trên 7%/năm.

ACB đã áp dụng biểu lãi suất mới ngay trong sáng 23/9 khi Quyết định của NHNN có hiệu lực. Trong đó, lãi suất tại kỳ hạn 1-5 tháng tăng thêm 1%/năm lên mức 5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó mức lãi suất cao nhất tại các kỳ hạn này là 4%/năm.

SHB cũng thông báo mức lãi suất mới từ ngày 23/9. Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã là 7,35%/năm, tăng 0,65% so với trước, dành cho khách hàng gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.

Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiết kiệm online của SHB đã tăng lên sát trần, hiện niêm yết 4,6%/năm dành cho 1-2 tháng, 4,9%/năm dành cho kỳ hạn 3 tháng -5 tháng.

HDBank thì tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 5 tháng lên mức kịch trần 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã được niêm yết 7,65%/năm, dành cho khách hàng gửi kỳ hạn 13 tháng, số tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.

Tại Techcombank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã tăng lên 6,2%/năm, và chứng chỉ tiền gửi thì lên tới 6,5%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng lên 7%/năm.

Với các hợp đồng tiền gửi đầu tiên tại Techcombank, lãi suất còn cao hơn nữa, lên tới 7,5%/năm dành cho khách hàng gửi từ 36 tháng. Ngoài ra, người gửi tiền lần đầu tiên tại Techcombank từ bây giờ, với kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 6,7%/năm và từ 12 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7%/năm.

VPBank sáng nay (24/9) cũng thông báo tới khách hàng về biểu lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã tăng 0,7 điểm % lên 7,7%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ trở lên ở kỳ hạn 36 tháng.

Đối với kỳ hạn 12 tháng, VPBank đang niêm yết mức 6,4-7,2%/năm, tăng 0,5-0,6%/năm. Trong đó, khách hàng gửi từ 10 tỷ trở lên sẽ có lãi suất trên 7%/năm.

Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn ngắn cũng tăng rất mạnh. VPBank niêm yết mức kịch trần 5%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng – 5 tháng, số tiền từ 10 tỷ trở lên, tăng 1%/năm so với trước khi thay đổi. Đối với số tiền nhỏ hơn, lãi suất là 4,9%/năm (từ 3 tỷ - dưới 10 tỷ), 4,8%/năm (từ 300 triệu – dưới 3 tỷ).

Như vậy, lãi suất cao nhất trên thị trường (dành cho các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ) đã ghi nhận mốc cao mới (7,7%/năm tại VPBank). Trước đó, trong khoảng nửa năm trở lại đây, SCB và CBBank là 2 ngân hàng có lãi suất cao nhất (7,55%/năm).

SCB cũng vừa điều chỉnh biểu lãi suất, tuy nhiên ngân hàng này chủ yếu tăng ở các kỳ hạn ngắn, vẫn giữ nguyên mức lãi suất cao nhất 7,55%/năm dành cho khách hàng gửi online từ 18 tháng.

Với đà tăng như hiện nay, mức 7,7%/năm có thể chưa phải là mức lãi suất cao nhất cuối cùng vào cuối năm nay.

Trong khi các ngân hàng tư nhân đã đồng loạt tăng lãi suất, nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn chưa có thông báo mới. Hiện những nhà băng này vẫn đang niêm yết lãi suất tại quầy cao nhất là 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất của nhóm Big 4 chỉ ở mức 3,1-3,4%/năm. Tuy nhiên, những nhà băng này sẽ khó có thể đứng ngoài làn sóng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Theo công ty chứng khoán VCBS, lãi suất huy động đã tăng 0,9-1,1%/năm từ đầu năm đến nay phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. Tín dụng toàn nền kinh tế đến 26/8 tăng 9,91% trong khi tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4% cho thấy nhiều nhà băng đang "khát" tiền gửi. VCBS dự báo, mặt bằng lãi suất huy động cóthể tăng 1,5-2%/năm cho cả năm nay.

Chia sẻ