Các công ty Nhật Bản bắt đầu trả lương bằng Bitcoin, thậm chí giới đầu tư còn tôn sùng một cô gái chuyển hết tài sản sang tiền ảo là 'Miss Bitcoin'
Mai Fujimoto, 'Hoa hậu Bitcoin' trên mạng xã hội vì cô là người đã tiên phong sử dụng tiền mã hóa tại Nhật Bản. Gần một năm nay, toàn bộ thu nhập của cô gái 32 tuổi này đã được "chuyển đổi hết sang tiền mã hóa thay vì gửi vào ngân hàng".
Châu Á chiếm thị phần không nhỏ trong thế giới tiền mã hóa toàn thế giới. Tại đây, Nhật Bản đã chấp nhận những đồng Bitcoin, Ethereum...từ hồi tháng 6/2017, trong khi các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn đang có những chính sách đầy khó khăn.
Kết quả, sau 8 tháng, bức tranh tiền tệ mã hóa trên toàn châu lục đã có những mảng màu khác biệt rõ rệt: Trong khi ở Nhật Bản, nhà đầu tư hồ hởi thì ở 2 nước lớn còn lại, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang phải chật vật, thậm chí còn cố tìm đường sang Nhật Bản.
Cụ thể, tại Nhật Bản, mọi thứ đang diễn ra khá khác so với các nước láng giềng vì chính phủ của quốc gia này đã tiếp cận tiền mã hóa bằng những biện pháp rất mềm dẻo và sẵn lòng mở rộng phạm vi chấp nhận chúng.
Khi tiên phong chấp nhận và ứng dụng Bitcoin từ hơn 8 tháng trước, một lượng lớn các doanh nghiệp tại quốc gia này đã hồ hởi tích hợp Bitcoin vào hệ thống thanh toán của mình. Thậm chí, có công ty đã bắt đầu trả lương bằng Bitcoin.
Không chỉ Chính phủ "mở cửa" mà đến cả người dân ở đất nước mặt trời mọc cũng nhiệt tình chào đón tiền mã hóa. Thú vị hơn là họ còn tôn sùng cả một người và gọi cô là "Miss Bitcoin".
Mai Fujimoto - Miss Bitcoin Nhật Bản
Đó là Mai Fujimoto, 'Hoa hậu Bitcoin' trên mạng xã hội vì cô là người đã tiên phong sử dụng tiền mã hóa tại Nhật Bản. Gần một năm nay, toàn bộ thu nhập của cô gái 32 tuổi này đã được "chuyển đổi hết sang tiền mã hóa thay vì gửi vào ngân hàng".
Trong khi Bitcoin tạo được làn sóng hưởng ứng mãnh liệt ở Nhật Bản, thì tại Hàn Quốc và Trung Quốc, tiền điện tử này đã dấy lên xung đột giữa người dân và các nhà làm luật. Công dân tại hai quốc gia này hứng thú với tiền mã hóa bao nhiêu thì các cơ quan quản lý càng khó khăn bấy nhiêu.
Trung Quốc là nước khơi mào cho cuộc đàn áp tiền mã hóa bằng lệnh cấm ICO và cấm sàn giao dịch trong nước. Còn Hàn Quốc thì gần đây liên tục thắt chặt quản lý và khẩn trương thiết lập khung pháp lý cho tiền mã hóa.
Do đó, nhờ chính sách tiến bộ và thái độ tích cực với tiền mã hóa mà Nhật Bản đã hưởng lợi khá lớn từ lệnh cấm từ Trung Quốc. Thậm chí, các công ty và nhà đầu tư từ Trung Quốc đã lặn lội sang đất nước mặt trời mọc để tìm kiếm môi trường hoạt động thân thiện với tiền mã hóa, từ đó vô tình đem lại tác động tích cực cho kinh tế Nhật.
Nhìn lại, về bản thân Bitcoin thì đồng tiền này cũng đã xuất hiện rất đúng thời điểm. Đó là khi mà người Nhật đã bắt đầu nhận ra lãi suất từ ngân hàng đang ở mức cực thấp và họ đang đau đầu tìm kiếm một hình thức đầu tư có lợi nhuận cao hơn.
"Khi nghe thấy người khác đang kiếm được nhiều tiền từ cryptocurrency mà nhiều người đã quyết định nhảy vào ngay. Đây là lối suy nghĩ rất 'Nhật Bản' - Ông Higashi, nhà bình luận nổi tiếng trong giới tiền mã hóa tại Nhật Bản nhận xét.
Ông cũng quan điểm của ông rằng "Thành thực mà nói, tôi không chắc là khi mọi người mua Bitcoin dựa trên kiểu quyết định như vậy thì sẽ có kết quả như mong muốn. Tôi cảm giác đây chỉ là một cơn sốt tức thời và ngắn hạn."
Tuy nhiên, dù sao thì tại lĩnh vực tiền mã hóa, Nhật Bản đã không chỉ dạy cho các nước phương Tây một bài học về cách tiếp cận tiền mã hóa, họ còn chứng minh rằng đưa ra chính sách thân thiện và tạo môi trường cởi mở là một lựa chọn đúng đắn, ít ra là tính đến thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp sử dụng Blockchain, các startup thực hiện ICO đang rất nở rộ tại đất nước này.