Các bà nội trợ cẩn thận: Ngâm dung dịch 1 giờ, thịt trâu, thịt heo ôi thiu biến ngay thành thịt bò giả

P.A,
Chia sẻ

Thịt bò giàu dinh dưỡng nên dù giá cao các bà nội trợ vẫn bỏ tiền để mua cho bữa cơm gia đình. Ấy vậy nhưng hiện nay các đối tượng làm ăn bất chính không từ thủ đoạn nào để hô biến những loại thịt ôi thiu thành thịt bò giả.

Thịt heo nái ngâm hóa chất thành thịt bò

Một trong những thủ đoạn làm thịt bò giả phổ biến nhất hay được các gian thương áp dụng là dùng thịt heo ngâm hóa chất để có được thịt có màu sắc và mùi giống thịt bò. Ở TP.HCM các cơ quan chức năng đã phát hiện không ít cơ sở dùng chiêu này để thu lợi bất chính.

Đầu tháng 2.2016, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với cơ quan chức năng Q.3 bắt quả tang cửa hàng bán thịt sạch thuộc Công ty TNHH Bính Hạnh (số 209/14 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3) đang có hành vi làm giả hơn 2 tấn thịt heo nái thành thịt bò để chuẩn bị bán tết.  Tại thời điểm kiểm tra, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện tại cửa hàng Bính Hạnh có tổng số 2.044kg thịt heo nái, trong đó có 1.179 kg thịt heo chưa ngâm, 110 kg thịt đang ngâm trong các thau hóa chất và hơn 755 kg "thịt bò” thành phẩm để chuẩn bị bán ra thị trường. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện 1,7 kg hóa chất màu trắng không rõ nguồn gốc. Ông Nguyễn Xuân Bính (chủ cửa hàng Bính Hạnh) thừa nhận, nhập heo nái (giá từ 60 – 70.000 đồng/kg) từ Đồng Nai về  ngâm vào dung dịch huyết bò và chất Metabisulfite hơn 1 giờ đồng hồ để biến thành thịt bò, đem đi bán với giá 130 – 140.000đ/kg.

 kiểm tra
Nhìn những miếng thịt bò giả này ít ai biết được đó là thịt heo nái được ngâm tẩm hóa chất. Vì vậy đã có không ít khách hàng của cửa hàng này bị lừa trong một thời gian dài.

Theo một chuyên gia về thực phẩm, thì hóa chất Metabisulfite được dùng việc tẩy uế, chống oxy hóa và chất bảo quản được cho phép dùng trong xử lý, chế biến các lọai nước uống với liều lượng nhất định. Chất Metabisulfite không cho phép sử dụng trong việc bảo quản, chế biến thịt. Nếu người ăn phải loại thịt  bò giả được ngâm Metabisulfite sẽ ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp. 

Chất Metabisulfite được ông Bính mua từ chợ Kim Biên với giá 25.000 đồng/kg, và có tác dụng  làm thịt heo nái săn chắc, khử mùi hôi, tăng được thời gian bảo quản và điều quan trọng là có màu sắc, mùi vị tương tự như thịt bò. Cửa hàng thịt sạch của ông Bính mỗi ngày bán ra thị trường hàng tấn thịt bò giả cho các quán phở và cửa hàng thịt bò nhỏ lẻ tại trung tâm TP.HCM. 

Thịt trâu Ấn Độ cũng biến thành thịt bò

Không chỉ có thịt heo nái ngâm tẩm hóa chất biến thành thịt heo, nhiều tiểu thương còn mua thịt trâu Ấn Độ với giá vài chục nghìn đồng/kg về chế biến thành thịt bò giả bán từ 200 – 250.000 đồng/kg. Các cơ sở này thường nhập thịt trâu Ấn Độ về ngâm hàn the để thịt trở nên săn chắc, bắt mắt như thịt bò.

Rạng sáng 15.4, Chi cục Thú Y TP.HCM và  Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 – Công an TP.HCM) kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt số 24 đường Bùi Hữu Nghĩa (P.5, Q.5 – nằm trong khuôn viên chợ Hòa Bình) phát hiện 1.045 kg thịt trâu Ấn Độ, phụ phẩm bò và 4,5 kg chất bột màu trắng. 

hóa chất
Thịt trâu Ấn Độ sau khi ngâm hàn the nghiễm nhiên trở thành "thịt bò" với giá cao gấp nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Suốt (chủ cửa hàng) thừa nhận nhập thịt trâu Ấn Độ từ một kho lạnh tại Q.8 với giá 80.000 đồng/kg rồi về rã đông, sơ chế và bán ra thị trường, bỏ mối là thịt bò với giá từ 200 – 250.000 đồng/kg. Chất bột màu trắng là hàn the được ông mua tại cơ Kim Biên và dùng để tẩy trắng xương bò. Theo một cán bộ thú y, hàn the có tác dụng tẩy trắng, giữ thịt không bị ôi thiu, bốc mùi và đây là chất cấm dùng trong việc sơ chế và sản xuất thực phẩm. Nơi sơ chế thịt tại cửa hàng ông Suốt ẩm thấp, bốc mùi hôi và không đảm bảo vệ sinh.

 Kết quả xét nghiệm lô thịt trâu tại cửa hàng ông Nguyễn Văn Suốt đều bị nhiễm khuẩn. Cụ thể, hơn 1 tấn thịt trâu Ấn Độ của ông Suốt nhiễm vi khuẩn hiếu khí, E.coli (vi khuẩn có trong phân) và Salmonella. Ngoài ra, 4,5 kg bột trắng phát hiện tại cơ sở qua xét nghiệm đã được định danh là hàn the. Chi cục Thú y TP HCM đã có văn bản và chuyển hồ sơ vụ việc cho UBND quận 5 tiến hành xử hơn 107 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ lô hàng  1.045 kg thịt trâu Ấn Độ đã bị cơ quan chức năng buộc đi tiêu hủy. 

gói hóa chất
Loại hóa chất độc hại này được xem là thần dược hô biến thịt trâu thành thịt bò. Bất chấp những nguy hại về sức khỏe cho người tiêu dùng những cơ sở làm ăn gian dối vẫn dùng loại hóa chất chất này để thu lợi bất chính

Trước đó Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã phát hiện, xử phạt nhiều chủ kinh doanh tại H.Hóc Môn, Q.12 cũng nhập thịt trâu Ấn Độ về “hô biến” thành thịt bò đi bán tại các chợ và bỏ mối tại các quán ăn. Theo một cán bộ thú y, việc các tiểu thương làm giả thịt bò từ thịt heo nái, trâu Ấn Độ  ngoài việc gian lận thương mại thì việc này là vô nhân đạo. Vì những loại thịt bò giả này đều phải ngâm tẩm một số loại hóa chất, mùi vị để đánh lạc hướng người mua thì rất nguy hiểm cho người ăn phải. Những hành vi này của các tiểu thương cần phải được xử lý nghiêm để răn đe. 

kiểm tra
Một cơ sở ở Củ Chi cũng bị phát hiện biến thịt trâu Ấn Độ thành bò giả.

hóa chất
Nhiều cơ sở đã được phát hiện làm thịt bò giả thời gian qua nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên các bà nội trợ vẫn đối mặt với nguy cơ mua phải thịt bò giả.



Cách phân biệt thịt bò giả và thịt bò thật

Theo một vị cán thú y có kinh nghiệm của  TP.HCM, nếu ăn ăn phải loại thịt bò giả này ngoài việc bị lừa thì người dùng còn gặp nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe từ các loại thịt này. 

Bằng mắt để phân biệt thịt bò giả và thật chị em nội trợ nên chú ý đến các yếu tố như màu sắc, độ đàn hồi, mùi của miếng thịt khi mua. Theo đó, cục thịt bò giả từ thịt heo bên ngoài vẫn đỏ tươi, săn chắc nhưng cắt ngang thì ở giữa có màu nhạt hơn và sớ thịt mềm. Riêng thịt bò thật thì bên ngoài và bên trong màu sắc tươi giống nhau. Thịt bò giả thường chảy nước màu đỏ, còn thịt bò thật thì không. Khi ngửi mùi thịt bò thật có mùi đặc trưng trong khi đó thịt giả không có. Thịt bò thật cũng có sự đàn hồi tốt hơn thịt bò giả.



Chia sẻ