Buổi ra mắt, mẹ chồng báo nợ 200 triệu để thử lòng nàng dâu
12 năm qua, chị Vương và mẹ chồng luôn dành cho nhau sự tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu. Do đó, hai mẹ con rất hòa thuận, vui vẻ và yêu thương nhau.
Mẹ chồng báo nợ 200 triệu và phản ứng của con dâu tương lai
Ngày chân ướt chân ráo về nhà chồng ra mắt cách đây hơn 12 năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Vương (hiện 38 tuổi, làm kế toán) đã bị mẹ chồng tương lai là cô Nguyễn Thị Đào (quê Bến Tre) thử lòng.
“Gia đình bác vất vả lắm. Giờ cháu về đây thì bác cũng nói là nhà bác còn đang thiếu nợ người ta khoảng 200 triệu đồng. Bác cứ nói trước như vậy, cháu thấy sao?”, cô Đào nói với chị Vương.
Nghe vậy, chị Vương trả lời: “Không sao đâu bác, con rất thương anh Minh nên không nghĩ chuyện giàu nghèo, miễn sao hai vợ chồng thương nhau là được. Chúng con sẽ cố gắng, bác đừng lo về khoản nợ này”.
Câu trả lời của chị Vương khiến cô Đào ấn tượng, ưng bụng và rất yêu quý cô con dâu tương lai. Thử lòng vậy thôi chứ cô Đào vốn là một người dễ tính và rất tôn trọng con cái. Cô quan niệm: “Con mình ưng đâu thì mình ưng đó. Nếu mình cấm cản, mai mốt nó không vui, không hạnh phúc thì biết làm sao?”.
Nhớ lại câu chuyện này, chị Vương bảo khi nghe mẹ chồng nói gia đình thiếu nợ, chị tưởng thật và cũng cảm thấy bình thường, không có áp lực gì. Với chị, nợ nần có thể trả được nhưng về tình cảm, chị nghĩ khó mà tìm được người đàn ông nào như anh Minh - chồng chị.
“Hôm đó nếu mẹ thử thách con số nợ là 20 tỷ đồng thì mình cũng sẽ không đắn đo, mà chỉ cùng chồng cố gắng làm sao để cố gắng trả hết nợ. Vì mẹ là mẹ của anh mà. Cảm ơn mẹ đã sinh ra một người đàn ông quá tuyệt vời để mình có được người chồng như vậy. Khi gặp mẹ mình cũng rất thương mẹ. Nghe mẹ nói có nợ thì mình nghĩ dù có nợ bao nhiêu mình cũng sẽ cùng chồng vượt qua”, chị Vương bộc bạch.
Trong mắt chị Vương, mẹ chồng là người nhân hậu, vui vẻ, dễ gần, thương và quan tâm con dâu. Cũng trong lần đầu gặp mặt đó, chị còn có một ấn tượng rất đẹp với cô Đào: “Khi về thì mình mặc một bộ đồ chỉn chu, nhưng sau đó thay một bộ đồ mặc nhà. Bình thường mình hay mặc quần lửng và áo thun nên cứ nghĩ về quê mặc như vậy cũng được.
Nhưng mẹ rất khéo, gọi mình vào phòng bảo: “Con ơi, ở quê mình là vùng quê con à, khác với thành phố. Mình nhập gia tùy tục, con có thể thay bộ đồ nào dài hơn không?”. Nghe vậy mình rất vui, vì mẹ thương mình nên mới nói chứ không để bụng. Khi mình thay bộ đồ ra thì mẹ cũng vui, vui vì con dâu hiểu.
Do không có sự chuẩn bị nên mình không mang đồ bộ về mà cứ phải mặc quần jeans, mấy hôm sau mẹ bảo mặc đồ của mẹ luôn”.
"Con dâu là người kề cạnh mình cả đời"
Vào ngày cưới, sau khi tàn tiệc, gia đình chị Vương về hết khiến nàng dâu mới cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Lúc này, cô Đào khẽ khàng ra ôm con dâu, an ủi: "Đây là gia đình thứ hai của con, ba mẹ cũng là ba mẹ của con, có chồng con và các anh chị em ở đây nữa nên con đừng buồn". Chị Vương thực sự xúc động và cảm thấy đây là ngôi nhà, là quê hương thứ hai của mình.
Về làm dâu, chị Vương không nề hà việc gì, chăm chỉ, chú ý học hỏi để sớm hòa nhập được với nề nếp của gia đình chồng. Hàng ngày, chị phụ mẹ nấu ăn, rửa bát, nhặt rau, dần dần hiểu được khẩu vị của ba mẹ. Ba mẹ thích ăn món gì thì chị sẽ chuẩn bị món đó trong bữa cơm hàng ngày.
Chị Vương và mẹ chồng hợp nhau ở nhiều điểm. 12 năm qua, hai mẹ con luôn yêu thương, chăm sóc, tôn trọng lẫn nhau nên tình cảm ngày một khắng khít.
Cô Đào bảo, cô thương cả 3 người con dâu hơn con gái. “Con gái đi lấy chồng, lo chuyện nhà chồng, chỉ thỉnh thoảng mới ghé về chơi. Còn con dâu là người ở cùng, kề cạnh mình suốt đời. Lần tôi mổ thì 3 con dâu thay nhau về chăm sóc, chứ con gái chỉ về thăm rồi đi thôi”, cô Đào cười lớn. Cũng bởi thương con thương cháu nên cô Đào cố gắng giữ gìn sức khỏe để con cái yên tâm công tác.
Một kỷ niệm nữa mà chị Vương không bao giờ quên đó là lần chị sinh con gái đầu lòng. Cô Đào lên chăm con dâu đẻ rất cẩn thận, hỗ trợ hết sức, bác sĩ dặn gì là cô làm đấy. Mỗi khi thấy con dâu đau là cô lại xót xa, cuống quýt đi gọi bác sĩ.
Vì sinh con lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên sau khi sinh xong, chị Vương quên cả dép ở phòng sinh. Đến ngày xuất viện, chị không có dép đi. Thấy vậy, cô Đào liền lấy dép của mình đưa cho con dâu đi rồi nói: “Con mới sinh xong đi dép vào cho ấm chân, mẹ ở dưới quê đi chân không quen rồi”.
Chị Vương không chịu nhưng mẹ nhất định bắt chị phải đi. Suốt cả quãng đường về quê, cô Đào đi chân không, về gần đến nơi còn phải đi qua một đoạn đường bùn đất mới vào được nhà. Chị Vương nhìn mẹ chồng vừa áy náy, vừa hạnh phúc vì sự quan tâm bà dành cho mình.
Không chỉ có cha mẹ chồng tâm lý, phúc hậu, chị Vương còn có người chị chồng tốt bụng, yêu thương các em. Nhờ có người chị chồng mà các em đoàn kết, quý mến nhau, lấy chị làm tấm gương để học hỏi, sống hiếu thuận với mẹ cha.
Giờ đây, chị Vương cũng như các anh chị em trong nhà chỉ mong sao bố mẹ luôn mạnh khỏe, bớt lo cho con cháu, thay vào đó là lo cho bản thân nhiều hơn, có khó khăn gì thì chia sẻ với các con chứ không để trong lòng một mình.