Đình Nội Chung thuộc làng Tứ Liên có lịch sử trên 300 năm, được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 1946 nơi đây là điểm tập kết vận chuyển trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội lên vùng căn cứ. Từ năm 1956, đình làng được tận dụng làm trường học.
Ở Đình Nội Chung có trường cấp 1 và cấp 2 Tứ Liên, bao gồm 9 lớp với 300 học sinh. Đình là nơi thờ cúng Thành hoàng làng. Trường cấp 1 nằm ở sườn Đình làng, còn trường cấp 2 nằm hoàn toàn trong khuôn viên của Đình. Ở trường cấp 2 Tứ Liên này có quy định “có một không hai” đã được nhà trường và Ban quản lý Đình thỏa thuận: Khi ngày rằm trùng với thứ 2 đầu tuần, học sinh sẽ không đánh trống, không chào cờ và hát quốc ca, để giữ yên tĩnh cho dân làng làm lễ trong chùa.
Ngược lại, đến giờ học của học sinh, dân làng nếu có làm lễ cũng sẽ không chiêng trống, để không ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Ở trường cấp 1 Tứ Liên, lễ chào cờ thứ 2 hàng tuần vẫn diễn ra bình thường.
Dưới đây là hình ảnh PV chúng tôi ghi nhận được từ hai ngôi trường nằm trong khuôn viên Đình làng này:
Trường cấp 2 Tứ Liên nằm ngay trong khuôn viên Đình làng Tứ Liên
Ở trường cấp 2 Tứ Liên - nằm trong khuôn viên Đình Nội Chung - nếu ngày rằm trùng vào thứ 2, các em sẽ không chào cờ, giữ yên tĩnh cho dân làng làm lễ
Ở trường cấp 1 ở sườn Đình làng vẫn tổ chức chào cờ bình thường
Các em lớp 1 mới vào trường bỡ ngỡ khi thấy phía bên kia hàng rào trường mình
Bên cạnh lợi thế được giáo dục về văn hóa tâm linh khi ngôi trường nằm trong Đình làng, việc “sân trường là sân đình, cổng trường là cổng đình” cũng khiến việc vui chơi của học sinh ở đây hạn chế, theo lời cô giáo hiệu phó Nguyễn Thị Kim Xuân.Đầu giờ học và ra chơi đa phần các em chỉ chơi trong lớp và ngoài hành lang, thiếu thốn các phòng thể chất, hội trường...
Nhiều phụ huynh lo ngại con mình hiếu động, nghịch ngợm, sẽ làm ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của Đình nên không đăng ký cho con học ở trường, làm sĩ số của trường giảm đáng kể. Mong muốn của các bậc cha mẹ là các em sẽ có môi trường học tập đúng tiêu chuẩn, được tự do vui chơi.
Ông Phạm Duy Kê – trưởng ban quản lý di tích Đình Nội Chung cho biết: "Những ngày lễ của Đình, bà con vào thắp hương khá đông, ảnh hưởng không nhỏ tới việc học hành của các cháu." Đã nhiều lần nhà trường, ban quản lý di tích làm việc với Phòng GD cùng UBNB quận Tây Hồ để các con có không gian học tập đúng tiêu chuẩn.