Bức thư Thạc sĩ đại học Harvard người Việt gửi con gái khiến nhiều người cha phải xấu hổ

Trang Linh,
Chia sẻ

"Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái."

Nữ quyền vốn là một vấn đề nhạy cảm. Người ta đã tranh cãi về nó hàng trăm năm nay, ở nhiều lãnh phận quốc gia, ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Cũng như bình đẳng nam nữ, có những người âm thầm ủng hộ nữ quyền, ủng hộ quyền được sống, quyền được yêu, được hạnh phúc và tự do của phụ nữ; cũng có những làn sóng mạnh mẽ, những hành động mang tính cách mạng để triệt để tuyên bố về nữ quyền.

Với người Việt, phong trào đấu tranh đòi hỏi nữ quyền có vẻ không ồn ã như nhiều nơi khác, chúng ta cũng chẳng có những trào lưu kỳ quặc như khoe... lông nách để ủng hộ tự do của phụ nữ, nhưng trong tâm thức của nhiều người ở thế hệ chúng ta, những suy nghĩ phân biệt giới tính kiểu như phải sinh được con trai bằng mọi giá, không có con trai là "kém", phải ngồi chiếu dưới... đã dần được cởi bỏ. Đặc biệt, sự thay đổi này không chỉ đến từ những bà mẹ, mà nhiều ông bố thời đại mới đã nói lên tiếng nói mạnh mẽ của mình, không chỉ san sẻ việc nhà với vợ, mà còn bày tỏ quan điểm tự hào về việc có con gái, cũng như "cam kết" sẽ để con gái mình không thiệt thòi so với những người bạn khác giới tính. 

Mới đây, ông bố Trương Phạm Hoài Chung (Thạc sĩ Giáo dục, Đại học Harvard) vừa khiến dân mạng "chao đảo" khi chia sẻ những suy nghĩ của mình về câu chuyện gây tranh cãi này, rất giản dị và ngắn gọn, như một bức thư viết riêng cho con gái của anh. Bắt đầu từ một sự kiện đầy tự hào, năm nay, 3/3 thí sinh quốc tịch Việt Nam được nhận vào Harvard đều là con gái, anh bày tỏ suy nghĩ về quan điểm "phải có người nối dõi" đã ăn sâu, ám ảnh vào các gia đình Việt hàng nghìn năm nay: "Nhưng mà hình như con đầu lòng người ta (người Việt) thường thích có con trai, vì yên tâm có cháu nối dõi tông đường, các con sau sinh con gì cũng được. Lỡ con đầu là con gái thì lo lắng nếu con thứ 2 cũng là con gái thì phải đẻ nữa để có con trai".

Thạc sĩ này cũng chia sẻ chân thành về những khác biệt giới tính cũng như những thiệt thòi hiển nhiên mà tạo hóa "gửi" đến thân phận phụ nữ: "Phải công nhận rằng giữa con trai và con gái có một sự khác biệt, chưa tính các quan niệm định kiến của xã hội. Ngày xưa cấp 2, ba là đứa nhỏ con nhất lớp, nhưng chạy thể dục vẫn nhanh hơn bạn gái cao khỏe nhất, ba đã cảm nhận thấy sự khác biệt về thể lực giữa con trai và con gái rồi. Khi chứng kiến cảnh mẹ đau bụng mỗi tháng mặt mày tái xanh tái mét thì ba cũng cảm nhận thêm sự khác biệt về thể chất và tâm lý này. Trong những tháng trước và sau khi mẹ sinh con, mẹ không thể làm gì khác ngoài ăn uống tẩm bổ nghĩ dưỡng, trong khi ba vẫn duy trì học tập và công việc bình thường, ba thấy thêm một sự khác biệt về cơ hội và thời gian nữa".


nữ quyền
Bức thư ngắn gọn, giản dị của ông bố học Harvard gửi con gái được nhiều người, trong đó có mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam thả biểu tượng trái tim.

Khác biệt là vậy, ngỡ như anh sẽ nói về những thiệt thòi, những nỗi khổ của phụ nữ trong xã hội, về việc họ phải nỗ lực ra sao để vươn lên thành công khi xung quanh đầy rào cản, nhưng không, anh đã nói với cô con gái nhỏ về những tấm gương khiến anh ngưỡng mộ: "Nhưng ba còn nhớ như in hình ảnh của những người con gái làm ba ngưỡng mộ hết mình:

• Năm lớp 5, cô O. cao hơn ba 1 cái đầu tự tin lãnh đạo các hoạt động tập thể.
• Năm 2000, khóa được học bổng ASEAN du học Singapore của ba có 8 con trai và 15 con gái. Tự xung phong lãnh đạo nhóm là cô H., học siêu giỏi là cô T. vào Harvard, và sau này ra trường các cô đều nhanh chóng vươn lên vị trí cấp cao của các công ty.
• Năm 2008, khi kinh tế Mỹ xuống tận đáy, cô P. vẫn được việc ở công ty xem như là tốt nhất cho sinh viên mới ra trường.
• Năm 2013, mẹ leo núi Fansipan hừng hực khí thế, bỏ xa ba nhiều lần. Nhận thức của ba lúc trước về khác biệt thể lực là sai lầm.
• Năm 2014, ba hoàn toàn tin tưởng cô N. về năng lực và phẩm chất để cùng làm giáo dục, từ chối kha khá lời mời hợp tác của nhiều người thành đạt khác
".

Để rồi, anh kết luận đầy ngọt ngào: "Con à, ba không hiểu biết nhiều về phong trào nữ quyền, nhưng ba sẽ không để bất cứ vật cản nào ngăn con không thực hiện được ước mơ của mình chỉ vì con là con gái. Con chỉ đơn giản là con của ba mẹ, là thiên thần của mọi người".

nữ quyền
Ông bố Trương Phạm Hoài Chung - tác giả bức thư dễ thương gửi cho con gái.

Quan điểm của ông bố này đã được nhiều người, đặc biệt là những ông bố đang có những "tình nhân bé nhỏ từ tiền kiếp" ủng hộ nhiệt tình. Không có lý gì mà một cô con gái không thể trở thành một người thành đạt, giỏi giang chỉ vì giới tính của mình. Những rào cản về giới tính, những sự "bất bình đẳng" mà tạo hóa đã tạo ra, không thể trốn chạy, nhưng đó là điều mà những bậc cha mẹ và chính những cô con gái khi trưởng thành không khó vượt qua. Rào cản lớn nhất là họ phải vượt qua, đó là sự áp đặt, định kiến của xã hội áp đặt lên giới tính, và nguy hiểm hơn, là việc họ tin vào giới hạn đó.

nữ quyền

Tự kiếm tìm và thực hiện ước mơ, bất chấp những rào cản và không bao giờ cho phép mình thất bại vì mình là con gái, đó có lẽ là thông điệp quan trọng mà ông bố trẻ này gửi đến con gái, cũng như đến những phụ nữ chúng ta. Chắc chắn không ít người cha đang chăm chăm "săn" con trai nối dõi hay buồn bực, hắt hủi vợ vì sinh toàn con gái sẽ phải cúi đầu xấu hổ, khi đọc được những lời giản dị mà sâu xa này...


Chia sẻ