Bữa sáng mà uống ly sinh tố này, sau 1 tuần chị em sẽ thấy làn da và vóc dáng thay đổi đáng kể!
Bữa sáng mà ngại nấu nướng thì chị em cứ sinh tố mà triển, vừa đủ chất vừa đẹp cả da lẫn dáng.
Đi làm trở lại sau 2 tháng làm việc tại nhà, một trong những việc chị em nhất định không thể quên đó chính là bữa sáng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn 3 ly sinh tố được làm từ đào, vừa ngon vừa tiết kiệm thời gian chuẩn bị.
Buổi sáng mà có trót dậy muộn hoặc ngại nấu nướng thì cứ 1 trong 3 ly sinh tố này mà triển, hoặc bạn cũng có thể chuẩn bị từ tối hôm trước cho "chắc ăn" nha.
1. Sinh tố đào, sữa chua
Nguyên liệu: 2 quả đào, 1 hộp sữa chua, 200ml sữa tươi không đường hoặc sữa hạt, 1 thìa cà phê hạt chia.
Cách làm: Bạn rửa sạch đào, gọt vỏ, bỏ hạt rồi cắt nhỏ. Cho đào đã cắt nhỏ vào máy xay sinh tố cùng 1 hộp sữa chua, 200ml sữa tươi không đường/sữa hạt và 1 thìa cà phê hạt chia. Bấm máy xay nhuyễn là xong.
2. Sinh tố đào, yến mạch
Nguyên liệu: 2 quả đào, 50gr yến mạch cán dẹt, 1 thìa cà phê bột quế, 250-300ml sữa tươi không đường hoặc sữa hạt.
Cách làm: Đào rửa sạch, gọt vỏ, bỏ hạt rồi cắt nhỏ. Sau đó cho đào vào máy xay sinh tố cùng các nguyên liệu khác, bấm máy xay nhuyễn là xong.
3. Sinh tố đào, chuối
Nguyên liệu: 1 quả chuối chín, 2 quả đào, 1 hộp sữa chua, 150-200ml sữa tươi không đường hoặc sữa hạt, 1 thìa cà phê hạt chia.
Cách làm: Chuối lột vỏ, cắt thành khoanh nhỏ. Đào gọt vỏ, bỏ hạt và cắt miếng nhỏ. Cho chuối và đào vào máy xay sinh tố cùng các nguyên liệu còn lại và xay nhuyễn.
Trên đây là 3 cách làm sinh tố đào cực đơn giản, chưa tới 5 phút là xong mà chị em có thể tham khảo để làm cho bữa sáng. Đào vốn đã có vị ngọt và mùi thơm tự nhiên rất đặc trưng nên chẳng cần thêm đường thì ly sinh tố cũng có hương vị rất vừa vặn.
Quả đào chứa nhiều chất xơ và một số hợp chất khác có khả năng hỗ trợ tốt cho đường ruột được hoạt động khỏe mạnh. Cụ thể, cứ mỗi quả đào cỡ trung bình (khoảng 200gr) cung cấp khoảng 2gr chất xơ, trong đó có chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan có lợi cho sức khỏe.
Chất xơ hòa tan: Trở thành nguồn thức ăn cho lợi khuẩn trong đường ruột, chúng sẽ tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (như propionate, axetat và butyrate) để nuôi dưỡng tế bào ruột được khỏe mạnh. Hơn nữa, các axit béo này còn giúp giảm viêm và cải thiện các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Chất xơ không hòa tan: Bổ sung lượng lớn vào trọng lượng phân của bạn để giúp thức ăn được di chuyển dễ dàng qua đường ruột và giảm khả năng bị táo bón.