BS Trương Hữu Khanh nói về test nhanh khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết

Vân Sơn,
Chia sẻ

BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM đã chia sẻ với phóng viên về mặt lợi và hại của test nhanh sốt xuất huyết (SXH)...

Thông tin SXH tăng cao đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng chống bị muỗi đốt, nhiều người đang tìm giải pháp giúp phát hiện sớm trong trường hợp mắc bệnh.

Một trong những giải pháp trên là việc thực hiện test nhanh SXH. Hiện trên thị trường đang bán sản phẩm này với giá khoảng 2,5 triệu đồng mỗi hộp 30 que test.

Để tìm hiểu về giải pháp test nhanh SXH, phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS Trương Hữu Khanh. Ông cho biết, test nhanh sốt xuất huyết không phải là phương pháp mới xuất hiện mà đã được áp dụng từ lâu, trước cả giai đoạn dịch COVID-19 xuất hiện. Tuy nhiên, test nhanh SXH phức tạp hơn bởi test nhanh COVID-19 chỉ lấy dịch hầu họng còn test nhanh SXH phải thực hiện phương pháp lấy máu.

BS Trương Hữu Khanh nói về test nhanh khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết - Ảnh 1.

BS Hữu Khanh khuyến cáo cộng đồng không nên tự test nhanh sốt xuất huyết tại nhà

“Lâu nay, phương pháp này chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh để chẩn đoán nguy cơ mắc SXH ở những người có biểu hiện nghi ngờ. Phương pháp này không nên thực hiện trong cộng đồng vì việc lấy máu có nguy cơ khiến bệnh nhân bị ngoại nhiễm. Bên cạnh đó, kết quả test nhanh đều có xác suất âm tính giả hoặc dương tính giả, điều đó khiến người bệnh có tâm lý lo lắng thái quá' hoặc nghiêm trọng hơn là tình trạng âm tính giả khiến người bệnh chủ quan, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, nhập viện trễ gây khó khăn hơn cho điều trị” – BS Hữu Khanh nói.

Lý giải nguyên nhân dịch SXH tăng mạnh, nhiều ca nặng trong nửa đầu năm 2022, BS Hữu Khanh cho rằng, mùa mưa đến sớm hơn là điều kiện lý tưởng cho muỗi trung gian truyền bệnh phát triển. Bên cạnh đó, sau nhiều năm phải đương đầu với dịch COVID-19, cả hệ thống y tế và người dân đã “quên bài” phòng chống, phát hiện sớm bệnh SXH.

Từ thực tế trên, ông Khanh khuyến cáo, hệ thống y tế cần phải “ôn lại bài” về các vấn đề chuyên môn trong dự phòng và điều trị SXH cho nhân viên y tế. Theo ông, để hạn chế mắc SXH, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, trong đó diệt lăng quăng cần được xem là phương án trọng tâm, tiếp đến mới là diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt, tăng cường vệ sinh môi trường và đến cơ sở y tế sớm khi có biểu hiện sốt cao liên tục 2 ngày trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 60.000 ca mắc sốt xuất huyết. Cùng với số ca bệnh tăng nhanh, số ca bệnh nặng, số ca tử vong cũng đang tăng theo. Tính riêng tại TPHCM đã ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 117,3% với cùng kỳ năm 2021 là 7.388 ca, với số ca SXH nặng là 274 ca, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Chia sẻ