Bơm xi măng sinh học cứu cụ ông 83 tuổi thoát cảnh bại liệt

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Một lần đi vệ sinh chẳng may bị trượt té, thắt lưng cụ ông đau âm ỉ và dù uống thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm, mức độ đau ngày càng tăng.

Ngày 24/5, bệnh viện ITO Đồng Nai cho biết, nơi đây lần đầu tiên thực hiện thành công ca phẫu thuật bơm xi măng sinh học giúp một người bệnh thoát khỏi cảnh bị bại liệt. 

Trước khi nhập viện, cụ ông N.V.B (83 tuổi) đã bị đau thắt lưng âm ỉ, hậu quả của một lần đi vệ sinh chẳng may bị trượt té. 

Bệnh nhân đã được đưa đi khám bệnh ở một cơ sở y tế gần nhà và cấp thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm, mức độ đau ngày càng tăng.

Khi được đưa đi cấp cứu, người bệnh nhập viện trong tình trạng bị đau dữ dội vùng thắt lưng cột sống, không thể vận động được. 

Bơm xi măng sinh học cứu cụ ông 83 tuổi thoát cảnh bại liệt - Ảnh 1.

X-quang cho thấy người bệnh bị gãy xẹp 1 đốt sống.

Qua thăm khám và làm các kiểm tra hình ảnh, bác sĩ kết luận người bệnh bị gãy xẹp 1 đốt sống. Được sự đồng ý của người nhà, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã thực hiện ca phẫu thuật bằng kỹ thuật bơm xi măng vào thân sống cho người bệnh.

Chỉ sau 30 phút thực hiện ca phẫu thuật đã thành công, lượng xi măng đã được bơm làm đầy thân đốt sống trở lại. Người bệnh cho biết đã không còn cảm thấy đau dữ dội như trước nữa và có thể ngồi dậy đi lại bình thường.

Bác sĩ Phạm Đình Vinh, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân chia sẻ, trước đây, để phục hồi hình dạng và độ chắc chắn của đốt sống, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp mổ mở, dùng nẹp vít tốn rất nhiều thời gian và xâm lấn nhiều hơn.  Vì vậy tỉ lệ xảy ra tai biến cũng cao hơn. Tuy nhiên hiện nay, có một chọn lựa khác để phục hồi hình dạng đốt sống là dùng xi măng sinh học.

Được phát minh và áp dụng đầu tiên tại Pháp vào năm 1984, đến nay phương pháp bơm xi măng sinh học đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới với tỉ lệ chữa khỏi hoàn toàn bệnh cong vẹo cột sống cao hơn so với nhiều phương pháp khác.

"Việc bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống vừa có tác dụng gắn lại các chỗ gãy xương siêu nhỏ, vừa làm cho thân đốt sống trở nên ổn định, vững chắc, làm giảm sức nén cơ học và tăng sức chịu đựng cho thân đốt sống, giúp cho bệnh nhân giảm đau và phục hồi ổn định cột sống" BS. Vinh cho biết thêm.

Chia sẻ