Bộ Y tế thông tin về sức khỏe 3 ca mắc COVID-19 rất nặng ở Việt Nam
Trong 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang điều trị, cụ bà 88 tuổi quê Hưng Yên còn thở máy qua ống mở khí quản, liệt cứng nửa người trái.
Bác gái bệnh nhân 17 vẫn thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. BN 91 là nam phi công người Anh kết quả siêu âm cho thấy phổi phải đông đặc mặt sau và đáy phổi, phổi trái đông đặc 1/2 dưới.
Thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tối 26/4 cho thấy, trong 45 bệnh nhân đang điều trị tại 8 cơ sở y tế trong cả nước, có 3 bệnh nhân nặng. Đó là bệnh nhân 20, bệnh nhân 161 (điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) và bệnh nhân 91 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Hiện bệnh nhân 20 ( bác gái bệnh nhân 17) vẫn thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù, đi tiểu nhiều. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết.
Bệnh nhân hiện không sốt, chỉ điểm rối loạn đông máu còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ trên mức bình thường nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước. Các bác sĩ đang cho bệnh nhân tiếp tục cai máy thở, tập phục hồi chức năng. Hiện đây là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất Việt Nam, bởi bệnh nhân vào viện từ nửa đêm 6/3.
Bệnh nhân 161, là cụ bà 88 tuổi quê Hưng Yên, còn thở máy qua ống mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, phổi tiến triển tốt, ngày qua tiếp tục cho bệnh nhân tập tự thở qua máy. Gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, liệt cứng nửa người trái.
Bệnh nhân không có biểu hiện xuất huyết nhưng chỉ điểm đông máu còn cao hơn mức bình thường, chỉ điểm nhiễm trùng tăng nhẹ nhưng có giảm hơn so với ngày hôm trước. Bệnh nhân không sốt. Xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính yếu, tiếp tục cai máy thở.
Trước khi phát hiện mắc COVID-19, cụ bà này bị xuất huyết não, điều trị ở khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 25/3, bệnh nhân này được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Đến hôm nay, bệnh nhân đã có hơn 1 tháng điều trị COVID-19.
Những người bị lây bệnh từ bệnh nhân 161 hiện đã khỏi bệnh, chuyển sang giai đoạn bình phục sau điều trị.
Bệnh nhân 91, nam phi công, 43 tuổi, vào viện từ 19/3, vẫn dùng an thần, không chảy máu thêm. Kết quả siêu âm tim-phổi cho thấy bệnh nhân tim co bóp tốt. Phổi phải đông đặc mặt sau và đáy phổi, phổi trái đông đặc 1/2 dưới...
Trước đó vào sáng 26/4, lãnh đạo Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, kết quả xét nghiệm Real - time PCR ngày 25/4 dương tính. Bệnh nhân tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân còn nặng.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, đây là bệnh nhân rất nặng, "với một cơ địa nhiều yếu tố rất kỳ lạ, về mặt y học thì khả năng sống sót rất thấp" nhưng được các bác sĩ nỗ lực hết mình cứu chữa.
Các bác sĩ xác định, không chỉ có yếu tố béo phì thuận lợi cho virus tấn công mạnh mẽ, có 2 vấn đề lớn ở bệnh nhân này là bị rối loạn đông máu rất trầm trọng, kháng các thuốc đông máu đang dùng ở Việt Nam dù thuốc rất tốt; cùng đó, nam phi công bị phản ứng miễn dịch dữ dội. Ngành Y tế Việt Nam phải đặt thuốc từ nước ngoài về để điều trị cho bệnh nhân này.
Các bác sĩ cho biết quá trình điều trị cho ca bệnh này trước đó cũng có nhiều điểm đặc biệt. Sau 24 ngày điều trị, ngày 12/4 kết quả xét nghiệm dịch lấy ở phế quản và mũi họng bệnh nhân đã cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên chỉ sau một ngày, bệnh nhân lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại, phổi tổn thương nặng hơn. Đến sáng 16/4, xét nghiệm dịch rửa phế quản âm tính, song dịch ở mũi và họng dương tính.
Đến ngày 19/4, bệnh nhân có kết quả âm tính với cả hai mẫu và các bác sĩ cho biết phổi của bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên ngày 25/4, bệnh nhân này có kết quả dương tính trở lại.