Bộ Công an có chỉ đạo 'nóng' về xâm hại trẻ em

T.PHAN,
Chia sẻ

Bộ trưởng Công an có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho nhiều cục nghiệp vụ nhằm tăng cường đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Ngày 4-4, thông tin từ Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Bộ Công an có chỉ đạo nóng về xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Bộ Công an chỉ đạo "nóng" về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh minh họa

Điều tra cơ bản trẻ em bị xâm hại

Theo đó, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn).

Mặc dù lực lượng công an và các ngành, các cấp đã tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nhưng hiệu quả còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị, vụ bố đẻ xâm hại, nghi xâm hại con gái ở Long An, Bắc Giang… gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an yêu cầu lực lượng công an tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”; phối hợp lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại và bạo lực; xác định các hành vi bạo lực, xâm hại có nguyên nhân từ bản thân các em, gia đình, nhà trường, xã hội để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh.

Từ đó, công an đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân.

Ngoài ra, cần tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phối hợp Viện kiểm sát và Tòa án các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung.

Nghiên cứu gỡ vướng mắc cho cơ sở

Bộ trưởng Công an cũng giao Cục Cảnh sát hình sự chủ trì xây dựng Kế hoạch, phối hợp hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018 - 2020; phối hợp tiếp nhận và hướng dẫn Công an các địa phương tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đầu số 111) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về phía Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, đơn vị này sẽ chủ trì hướng dẫn công an các địa phương thực hiện BLHS, BLTTHS năm 2015 liên quan đến các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và Thông tư liên tịch số 06/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; tổ chức tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, đề nghị truy tố các tội danh liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, bổ sung vào chương trình đào tạo, tập huấn cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên, cán bộ điều tra về kỹ năng tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và xác minh, điều tra vụ án bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần xử lý nghiêm minh hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Đối với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ trưởng yêu cầu phối hợp các ngành liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ súy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em…

Chia sẻ