Bố chồng “không tưởng”
Hàng ngày phải đối mặt với ông bố chồng “không tưởng”, Loan gần như không thở nổi, có lúc ức chế muốn phát rồ lên được.
Mẹ chồng Loan mất sớm, vợ chồng cô sống với bố chồng. Nhưng một người như bố chồng cô thì có lẽ cỡ phải dăm, bảy bà mẹ chồng ghê gớm gộp lại mới bằng được! Khó tính, xét nét, cục cằn, bảo thủ, cổ hủ, vô duyên, vô lí, thích sỹ diện… - từng ấy tính xấu xí có kể ra vẫn còn là chưa đủ với bố chồng Loan. Ông chính xác phải gọi là bố chồng “không tưởng” mới xứng.
Bố chồng là đàn ông, những tưởng sẽ phiên phiến và không để ý tủn mủn như mẹ chồng. Nhưng Loan ngẫm lại, so với mấy bà mẹ chồng khó tính cô biết thì ông chỉ hơn chứ không hề kém trong cái khoản xét nét con dâu.
Ông rất hay để ý, săm soi chuyện đi đứng, ăn mặc, nói năng của Loan. Cô dùng túi xách thì ông chửi: “Có đồng nào mà phải túi xách, sĩ diện hão”. Cô đi liên hoan với cơ quan để con ở nhà cho chồng trông thì ông cũng chửi: “Đi đâu mà quên đường về thế, miếng ăn quan trọng thế à, miếng ăn là miếng nhục đấy”. Nhiều nhiều lắm mà Loan chẳng thể kể hết ra được.
Bố chồng Loan cái gì cũng tự cho mình đúng, mình hay, còn thiên hạ thì... ngu tất. Rồi không phải máu mủ nhà ông thì có mà chẳng đáng xu nào! Con gái của ông (chị chồng Loan) lấy chồng, đi làm dâu mà chửi mắng cả bố mẹ chồng, cả nhà chồng bên ấy thì bố chồng chẳng có lời dạy dỗ, còn khen con gái giỏi, dạy được cả chồng. Còn Loan làm dâu cái gì cũng nhịn, nhỡ mồm câu nào là bị cho là láo, hỗn, là mất dạy.
Khó tính, xét nét, cục cằn, bảo thủ, cổ hủ, vô duyên, vô lí, thích sỹ diện… - từng ấy tính xấu xí có kể ra vẫn còn là chưa đủ với bố chồng Loan (Ảnh minh họa).
Tính ông động cái là mắng, là chửi mà chả ai làm gì ông cả. Có khi tự dưng tức lên hoặc ngứa mắt những việc bé như con kiến thôi cũng đủ để ông nổi điên mà chửi mắng tanh bành nhà cửa rồi. Cô làm gì ông không hài lòng là ông toàn chửi những câu khó nghe, bậy bạ mà cho Loan nhắc lại cô cũng thấy ngượng mồm. Ấy thế mà ông thản nhiên nói trôi chảy như hát hay.
Bản thân Loan cố coi những lời mắng chửi của công như gió thoảng ngang tai nhưng khi bé nhà cô dần lớn, ông cứ mắng chửi ngay cả lúc có bé ở đấy, nên cô rất bực. Cô sợ làm hư con trẻ, con lại học theo cái tính cục cằn ấy.
Bố chồng Loan còn thuộc hàng… đại vô duyên. Vợ chồng Loan có phòng riêng thế mà ông cứ xồng xộc lên, không cả biết gõ cửa hay đánh tiếng là gì. Lúc 2 người không có nhà, ông còn tự ý mở cửa vào phòng, lấy đồ riêng của hai người sử dụng như của mình. Loan khóa cửa thì ông chửi cho vài ngày liền, đổ cho cô sợ ông ăn cắp, quy cho cô tội ghê gớm, chặt chẽ, không coi ai ra gì.
Ông cũng ngang và vô lí không ai bằng. Có lần vợ chồng Loan đưa con đi chơi về hoặc chuẩn bị đi chơi quên không chào ông là ông quay ra mắng 2 người: “Chúng mày mất dạy xui con không chào ông phỏng?”, rồi: “Chúng mày không chịu dạy nên nó mất nết đấy!”. Loan ức quá vì bị nói kiểu này nhiều lần nên cãi lại: “Cũng là cháu ông, đang sống cùng một mái nhà với ông, ông cũng phải có trách nhiệm dạy nó, nó hư cũng là một phần do ông chứ không phải cái gì cũng do chúng con đâu!”. Sau lần đó ông mới bớt nói cái kiểu “chúng mày dạy nó mất dạy”.
Bố chồng Loan hình như luôn lo nơm nớp sợ nàng dâu cuỗm mất tiền của con trai ông. Bình thường ông thường xuyên "mát mẻ" nhắc con trai giữ tiền cho chặt, Loan cũng không nói làm gì. Nhưng mỗi lần ông nghe được chuyện con dâu nhà nào vơ vét tiền trốn đi theo trai là ngày hôm ấy Loan khốn khổ với ông, mặc dù cô chẳng làm gì nên tội.
Vợ chồng Loan xây nhà, tiền do 2 người tích góp và vay mượn thêm, bố chồng không cho được xu nào. Nhưng đi đâu, gặp ai ông cũng khoe ông làm cho các cháu nó ở, rồi rên rỉ vợ chồng cô chẳng biết tiết kiệm tiền, không có đồng nào cả. Ông quả là người vô cùng thích sĩ diện khi đi đâu có bao nhiêu nhẫn vàng là ông bỏ ra diện hết để khoe với thiên hạ. Thế nhưng em trai ông nằm viện nguy kịch không có tiền ông cũng chối tiệt không cho vay.
Hàng ngày phải đối mặt với ông bố chồng “không tưởng”, Loan gần như không thở nổi, có lúc ức chế muốn phát rồ lên được (Ảnh minh họa).
Tết vừa rồi, ngay đêm giao thừa, chỉ vì Loan làm trái ý ông một chuyện bé tí mà ông nổi cơn tam bành đuổi cô ra khỏi nhà. Cô đã xin lỗi, vì nghĩ năm hết tết đến, lại ngay đêm giao thừa cũng không muốn làm to chuyện nhưng ông nhất quyết không nghe, còn chạy xồng xộc vào phòng cô, vơ quáng quàng đám quần áo của cô ném ra ngoài đường. Chồng cô phải làm căng lên ông mới thôi. Nhưng cả cái Tết ấy, ông nhìn Loan như nhìn kẻ thù.
Hàng ngày phải đối mặt với ông bố chồng “không tưởng”, Loan gần như không thở nổi, có lúc ức chế muốn phát rồ lên được. Nhưng vì chồng vì con cô lại cố nhịn. Bố chồng chỉ có chồng Loan là con trai duy nhất, chị chồng đã có gia đình riêng. Mẹ chồng cô mất sớm, một mình ông “gà trống nuôi con”, cũng đã chịu nhiều vất vả, cực khổ, nghĩ đến Loan cũng thấy thương ông. Mà cũng không hiểu sao người như bố chồng lại nuôi được cậu con trai thành tài, khác ông một trời một vực như chồng cô.
Chồng cô biết bố không tốt, nhưng tính ông thế rồi, đến anh nói ông còn chửi cho té tát, nên khả năng ông cải tính gần như là số 0. Vợ chồng cô cũng không thể ra riêng vì bỏ ông một mình không ai chăm sóc thì không nỡ. Vì thế, chồng cô cũng chỉ biết động viên vợ, còn Loan thì giả ngơ, xem như bố chồng không tồn tại. Ông nói gì chửi gì cũng mặc, ông già rồi cũng chẳng sống được với con cháu bao lâu nữa.
Nhiều lần nghĩ đến bố chồng mình, Loan thường tự hỏi, không biết có người bố chồng nào “không tưởng” như bố chồng cô không? Có kể ra có lẽ cũng ít người tin nổi trên đời lại có người bố chồng như thế…