Bịt mũi sống chung với nhà vệ sinh công cộng "siêu bẩn" giữa lòng Hà Nội
Giữa lòng Hà Nội nhiều nhà vệ sinh công cộng cũ kĩ xuống cấp đang khiến người dân sống xung quanh khốn khổ. Những nhà vệ sinh này có tuổi đời ngót nghét... 40 năm và đã xuống cấp trầm trọng.
Nằm lọt thỏm giữa những khu dân cư đông đúc ở Hà Nội, những nhà vệ sinh công cộng đã từng là nơi sinh hoạt của nhiều người dân nhưng tới nay, những nhà vệ sinh này đã xuống cấp nghiêm trọng và trở thành nỗi kinh hoàng của những hộ dân sống xung quanh nó.
Đến hỏi người dân ở khu vực Ngõ chợ Khâm Thiên (phường Trung Phụng) hoặc Ngõ Văn Chương, ai cũng bị ám ảnh bởi cái mùi hôi thối đặc trưng được bốc lên từ những nhà vệ sinh công cộng. Sau thời kì “vàng son” thì đến nay công trình công cộng này đã không còn hữu dụng, không những vậy những tác hại phát sinh từ nó khiến bất kì ai cũng có có thể nhận ra.
Quá khứ “oanh liệt”
Theo tìm hiểu, những nhà vệ sinh công cộng này được xây dựng vào khoảng những năm 1960-1970, thời kì khó khăn và người dân phải sử dụng hệ thống vệ sinh chung chứ chưa có những nhà vệ sinh riêng như bây giờ. Vì vậy, nhà vệ sinh công cộng được xây dựng để phục vụ đông đảo người dân trong khu vực. Trong thời kì đó, rất nhiều nhà vệ sinh công cộng kiểu này mọc lên khắp Hà Nội.
Bà N.T.Thanh, 60 tuổi trú tại ngõ Chợ Khâm Thiên cho biết, những năm 1970- 1980, sáng sớm, người dân phải xếp hàng để chờ tới lượt đi vệ sinh. Mỗi người cầm một cái chậu nhựa, khăn, giấy,... đủ thứ sinh hoạt để chờ tới lượt. “Hàng dài người xếp hàng giống như chờ ở các hợp tác xã để đong gạo thời bao cấp vậy. Ngày đó, các nhà vệ sinh bẩn hơn bây giờ rất nhiều, cũng chỉ lợp đất, lợp đá, thủng chỗ này rồi vá chỗ khác. Ngồi bên trong chỉ sợ trời mưa là nó dột, rất mất vệ sinh mà cực kì khổ sở”- bà Thanh cho biết.
Ông Lương, một cư dân “gốc” ngõ chợ Khâm Thiên cùng quan điểm, những nhà vệ sinh công cộng phát huy tác dụng tích cực trong thời kì đó, nhưng cho tới nay khi mà 100% người dân đã có nhà vệ sinh riêng, khép kín thì những công trình công cộng này đã mất đi tác dụng, không những vậy, lại phát sinh ra những tiêu cực trong quá trình hoạt động. "Tất nhiên là ngày xưa thì bắt buộc phải dùng tới nó nhưng bây giờ có cho tiền cũng chẳng dám vào đây đi vệ sinh”.
Nơi ô nhiễm rất nặng
Tìm hiểu một nhà vệ sinh công cộng ở ngay đầu ngõ Văn Chương (Đống Đa), có thể nhìn thấy rất rõ tình trạng mất vệ sinh. Công trình xuống cấp trầm trọng, gạch lót sàn thì vỡ nát, cửa thì thủng lỗ chỗ, lung lay như sắp bị rơi xuống. Mùi hôi của rác, mùi khai, thối nồng nặc do những chất thải không được dọn sạch, sộc lên mũi từng giây cho những ai đứng gần. Rác thải sinh hoạt, rác thải vệ sinh của khách vãng lai, kim tiêm... nằm la liệt từ cửa cho tới tất cả buồng vệ sinh.
Ruồi, muỗi bay tứ tung, bám đầy ở bất kì chỗ nào, lan sang cả nhà các hộ dân sống bên cạnh. Nước sử dụng thì đen ngòm, không thể nhìn thấy đáy.“Bây giờ, tuy ít ai sử dụng nhà vệ sinh kiểu này, nhưng ít không phải là không có, chỉ có những cô đồng nát, khách vãng lai, họa hoằn lắm là người dân nếu nhà vệ sinh riêng bị hỏng. Cơ bản là họ không có ý thức, dùng xong không xử lý khiến nơi đây ô nhiễm chồng chéo”- Bà Lan, sống đối diện nhà vệ sinh ở ngõ Văn Chương cho biết. “Ngày xưa khoảng chục năm trước, cứ mở mắt ra là thấy rác thải bẩn kinh hồn, kim tiêm nằm la liệt, nhiều vô số kể. Bây giờ thì bớt, nhưng dân sống quanh đây vẫn không chịu nổi” - Bà Lan, thoáng một chút rùng mình, cho biết.
Đi sâu vào ngõ chợ Khâm Thiên, trước cửa một nhà vệ sinh công cộng có treo một cái biển “cấm đổ rác”. Nhưng đây chính lại là nơi tập kết chính của toàn bộ rác thải trong khu. Có 2, 3 cái xe chở rác của công nhân vệ sinh môi trường tập trung quanh đó với hàng núi rác chất đống. Được biết cứ đến khoảng 16-17h hàng ngày, người dân để rác sinh hoạt tại đó, mặc cho công nhân vệ sinh dọn dẹp. Cô Liên, một công nhân vệ sinh môi trường mới về hưu năm ngoái cho biết: “Hằng ngày đều dọn mà không thể hết rác. Đến đây lúc nào là nó lại bẩn thỉu, hôi hám mất vệ sinh như chưa từng ai dọn. Bình thường cứ đến 5h chiều, chúng tôi sẽ đến tận ngõ để đánh kẻng cho người dân ra vứt rác. Thế mà nhiều người không chờ được đến lúc đấy, cứ vô tử xả nơi công cộng như vậy, tiện tay là để đó. Làm cho nhà vệ sinh công cộng vốn đã bẩn, nay con bẩn hơn”.
Bà Thanh cho rằng ngày xưa nhà sống cạnh nhà vệ sinh thì cực kì có lợi:“Buồn” chỉ cần chạy vài bước chân là đến nhưng bây giờ thì chẳng thấy lợi đâu mà toàn thấy hại. Nhà tôi lúc nào cũng phải kín cổng cao tường để ruồi muỗi nó không bay vào. Ngày trước ăn cơm, cả nhà lúc nào cũng phải mắc màn mà ăn. Bây giờ mới đầu tư thêm cái cửa cuốn hiện đại, nên ruồi muỗi nó không bay vào được”.
Nhà anh Đức - gần đó thì khổ hơn vì nhà vẻn vẹn 16 m2: “Ở đây thối lắm. Có phun thuốc ruồi, thuốc muỗi mà vẫn không hết mùi, hết lăng quăng bọ gậy. Bệnh tật thì chắc nơi đây là nơi phát sinh nguồn bệnh đầu tiên ấy chứ. Con tôi đã 2 lần bị sốt xuất huyết rồi đó".
Những hộ dân sống xung quanh khu vực có nhà vệ sinh công cộng "kiểu cổ" này đã kiến nghị việc đập bỏ những dạng nhà vệ sinh quá cũ kỹ, xuống cấp và không còn sử dụng được, tuy nhiên hiện nay họ vấn phải sống chung với mùi hôi thối trong khi chờ. Một số công trình vệ sinh kiểu này đã được đập bỏ, thay thế hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.