Biểu tượng du lịch một thời của Nhật Bản dần chìm vào dĩ vãng, lý do đằng sau khiến ai nấy cũng tiếc nuối
Từng là biểu tượng du lịch của Nhật Bản, giờ đây những con tàu giường nằm đã dần đi vào dĩ vãng.
Từng là một biểu tượng du lịch của Nhật Bản, giờ đây thời đại những chuyến tàu giường nằm đang dần đi đến hồi kết, nhường chỗ cho những phương tiện thuận tiện và nhanh chóng hơn. Tuy vậy, một vài công ty vẫn duy trì loại hình dịch vụ này cho những hành khách có nhu cầu.
Khách quan mà nói, có nhiều lý do để một số hành khách vẫn chọn đi loại tàu này. Thứ nhất, không phải địa điểm nào ở Nhật cũng có tuyến tàu siêu tốc trực tiếp, và xe buýt chắc chắn nằm ngoài lựa chọn cho những người cần sự thoải mái. Hơn nữa, để đánh đổi thời gian di chuyển khá dài, tàu giường nằm có giá vé khá "mềm" so với máy bay hoặc shinkansen kể cả với khoang hạng nhất.
Trong chuyến đi đến đồi cát Tottori - hệ thống đụn cát duy nhất tại Nhật, YouTuber Abroad In Japan đã review dịch vụ đặc biệt này. Chuyến hành trình kéo dài 11 tiếng qua hơn 600km trên tàu Sunrise Express.
So với hình dung thông thường về một toa tàu giường nằm, khoang hạng nhất của Sunrise Express có phần thoải mái hơn, nhưng không phải xuất sắc. Tất nhiên, phần không thể thiếu là chiếc giường vừa vặn 1 người nằm, với cửa sổ ngắm cảnh khá lớn. Phòng hạng nhất có thêm bồn rửa tay, bàn làm việc và móc treo quần áo.
Một điểm đặc biệt là hành khách được sử dụng phòng tắm. Trải nghiệm tắm trên tàu hỏa có lẽ khá độc đáo, tuy nhiên phòng tắm không thực sự gây ấn tượng về diện tích cũng như độ tiện nghi. YouTuber cũng nhận xét khoang nghỉ khá nóng, bất chấp việc nó dành cho khách hàng phân khúc cao. Ngoài ra, việc tàu liên tục dừng tại các ga và phát thông báo lớn cũng phần nào gây phiền toái. Cuối cùng, tàu không phục vụ đồ ăn/uống mà hành khách phải tự mang theo.
Số lượng chỗ trống trên tàu cũng rất nhiều, phần nào phản ánh tình hình kinh doanh của loại hình dịch vụ này, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch (video được quay vào tháng 7 năm 2021, khi tình hình dịch đang phức tạp tại Nhật).
Vốn ra đời vào giữa thế kỷ 20, tàu giường nằm (hay còn được gọi là "tàu xanh" nhờ màu sắc đặc trưng của nó) từng là một "biểu tượng du lịch" của đất nước mặt trời mọc, với nhiều ưu điểm vào thời bấy giờ như rút ngắn khoảng cách di chuyển, có sự tiện nghi và thoải mái nhất định.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của giao thông công cộng và chuyển dịch trong tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã dẫn đến số phận thoái trào không thể tránh khỏi của những con tàu xanh. Như đã nói, lợi thế của chúng nằm ở việc kết nối những vùng chưa có sân bay hoặc tàu siêu tốc. Khi ngành hàng không dân dụng và hệ thống shinkansen phát triển hơn, ưu điểm này đã bị loại bỏ.
Vì lẽ đó, thời kỳ hoàng kim của hệ thống "tàu xanh" nguyên thủy đã chấm dứt vào cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ trước. Nắm được tình hình, sau giai đoạn này các công ty vận hành đổi hướng sang dịch vụ "du thuyền trên cạn", dành cho những hành khách có nhiều thời gian và thích "sống chậm", coi trọng hành trình hơn đích đến.
Tuy nhiên, sự đổ vỡ của bong bóng kinh tế Nhật cuối thế kỷ trước đã giáng những đòn cuối cùng vào "biểu tượng du lịch" một thời này. Người dân giờ đây có thói quen tiết kiệm hơn, cả về tài chính và thời gian. Càng bất ngờ khi tầng lớp chịu áp lực nặng nề của vấn đề kinh tế là trung niên và người cao tuổi dần không muốn dành quá nhiều thời gian cho việc di chuyển nữa.
Chưa kể, xu hướng người dân từ các khu công nghiệp xa trung tâm di chuyển lên các đô thị lớn cũng dẫn đến nhu cầu sử dụng dịch vụ này giảm sút. Kết hợp với sự tiện lợi và nhanh chóng của máy bay cũng như tàu siêu tốc, không khó hiểu khi tàu giường nằm giờ đã bị "cho ra rìa". Giờ đây, chỉ còn 2 đoàn tàu giường nằm còn hoạt động trên toàn lãnh thổ Nhật.
Nguồn: Tổng hợp