Bí quyết "ăn điểm" khi đi phỏng vấn

Hoàng Anh (Theo Askmen),
Chia sẻ

Dù bạn lần đầu đi tìm việc hay đang rơi vào tình trạng thất nghiệp do mới nghỉ việc ở công ty cũ, bạn cũng cần học cách chiếm được cảm tình của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.

Khi đã lọt vào vòng phỏng vấn tức là bạn đã được đánh giá là ứng viên nặng ký. Đừng lo lắng vì thiếu kinh nghiệm hay tự ti vì thất nghiệp lâu nay, hãy tranh thủ thời gian để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn làm được điều đó:

1. Thể hiện sự nhiệt tình, tự tin

Bí quyết
Hãy thể hiện sự nhiệt tình, tự tin để ghi điểm với nhà tuyển dụng - (Ảnh minh họa).

Theo Lynne Sarikas, giám đốc Trung tâm hướng nghiệp MBA của ĐH Northeastern, các ứng viên cần thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đến vị trí tuyển dụng trong suốt cuộc phỏng vấn. Tình trạng thất nghiệp khiến ứng viên khó lòng vui vẻ được và việc bị đánh trượt ở những cuộc phỏng vấn trước càng làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Tuy nhiên, nếu cứ giữ nguyên cảm giác đó và mang đến buổi phỏng vấn hôm nay, bạn đang tự mình đánh mất đi cơ hội.

Liều thuốc cần thiết lúc này là bạn cần tập trung cao độ để thể hiện sự tự tin, nhiệt tình với công việc. "Bạn đang cạnh tranh với nhiều đối thủ đáng gờm, vì thế, cần chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy giá trị nổi trội của mình" - Sarikas nói.

2. Chứng tỏ mình phù hợp

Sự phù hợp là điều quan trọng nhất cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Với nhà tuyển dụng, thông thường sẽ có nhiều ứng viên có những kỹ năng khác nhau, tuy nhiên, thách thức với họ là phải tìm ra ứng viên phù hợp nhất.  Trong khi đó, người tìm việc cần xem xét kỹ khả năng, sở thích của bản thân có phù hợp với vị trí đang ứng tuyển hay không.

Vì vậy, trong buổi phỏng vấn, tốt nhất là bạn nên chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy, bạn chính là người phù hợp nhất mà họ đang tìm kiếm.. Hãy sử dụng những kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm đã có, cộng với sự tự tin để trả lời câu hỏi một cách sáng suốt, thậm chí có thể đưa ra những câu hỏi thông mình dành cho người phỏng vấn.

Bí quyết
Hãy cố gắng chứng minh mình là mảnh ghép hoàn hảo cho vị trí tuyển dụng còn trống - (Ảnh minh họa).

3. Gây ấn tượng bởi sự mới mẻ

Đa số các nhà tuyển dụng đều muốn có những ứng viên luôn cập nhật kiến thức, thông tin mới mẻ cũng như kỹ năng làm việc mỗi ngày . Họ thường dị ứng với những người cứ mãi "dậm chân tại chỗ", không chịu học hỏi, tiếp cận cái mới. Bởi vậy, nếu muốn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bạn nên dành thời gian xem xét các công cụ hỗ trợ trong công việc trước đây và nắm rõ những điểm mới thay đổi. Đây cũng là một cách để chứng tỏ giá trị của bạn.

Bạn cũng nên học về các phần mềm vận dụng trong lĩnh vực của mình và khi đối diện nhà tuyển dụng, ít nhất bạn cũng phải nói rõ được tên của những phần mềm ấy.

Một cách khác để chứng minh giá trị của mình là kết nối với các cựu đồng nghiệp cũng như các nhà tuyển dụng, nhà quản lý cũ. Bạn cần tạo mạng lưới quan hệ tốt, để có được những lời giới thiệu tuyệt vời nhất về bạn khi nhà tuyển dụng mới muốn tìm hiểu thêm về công việc của bạn trong quá khứ.

4. Trung thực

Bí quyết
Phải nhớ rằng luôn luôn trung thực. Đừng bao giờ nói dối trước nhà tuyển dụng - (Ảnh minh họa).

Kể cả khi bạn thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài trước khi đến với buổi phỏng vấn, bạn cũng đừng e ngại hay thiếu tự tin và càng không nên nói dối nhà tuyển dụng để lấp liếm khoảng trống thời gian vừa qua. Không ít ứng viên tỏ ra lo sợ, xấu hổ vì mình bị sa thải, mãi không kiếm được việc làm và nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ đánh trượt họ nếu biết thông tin ấy. Vì tế, họ tìm cách nói dối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, trong trường hợp này, trung thực vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.

Ngoài ra, bạn cũng nên trình bày rõ những kinh nghiệm bản thân, kể cả những đợt tham gia tình nguyện, thực tập... để làm nổi bật kỹ năng của mình. Đây là một ưu thế đáng kể  so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Chia sẻ