Bị nhiễm Zika: Thai phụ tiếp tục mang thai hay ngừng thai nghén?
Sáng 5/4, Bộ Y tế đã có buổi họp báo công bố 2 trường hợp đều là nữ giới bị nhiễm virus Zika, trong đó có 01 phụ nữ đang mang thai tuần thứ 8.
Hai trường hợp này được xác định ở tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh. Phía Bộ Y tế cũng khẳng định, qua điều tra, kết luận hai bệnh nhân bị Zika hoàn toàn do muỗi truyền mà không phải do lây qua quan hệ tình dục hay một số vấn đề khác.
Nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu sẽ để lại dị tật
Tại buổi họp trả lời câu hỏi có hay không sự liên quan giữa virus Zika và chứng não nhỏ ở trẻ em, PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, đây là chuyên môn sâu trong sản khoa. Trước mắt hội chứng đầu nhỏ ở trẻ em không phải phổ biến trong sản khoa.
PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương
Theo PGS Cường, hội chứng đầu nhỏ là bệnh hiếm gặp nên tỷ lệ mắc thấp, chỉ khoảng 10% thai phụ nhiễm virus Zika sinh con ra bị dị tật đầu nhỏ. Có nghĩa không phải thai phụ nào nhiễm zika cũng sinh ra trẻ bị hội chứng đầu nhỏ.
“Hiện nay chỉ nghi ngờ sự liên quan giữa em bé bị chứng đầu nhỏ với bà mẹ bị nhiễm virus Zika nhưng cơ chế lây bệnh và cơ chế tác dụng của virus Zika với chứng đầu bé vẫn chưa được khẳng định.
Virus Zika lây qua muỗi mà nước ta là nước nhiệt đới nên muỗi rất nhiều, vì thế, việc phòng và phát hiện hội chứng đầu bé ở phụ nữ mắc Zika là rất cần thiết. Vì thế, dù Việt Nam đã có hai trường hợp nhiễm Zika nhưng người dân không nên quá lo lắng”, PGS Cường cho hay.
Cũng theo PGS. TS Trần Danh Cường, về quy luật nhiễm trùng với em bé, nhiễm trùng trong 3 tháng đầu để lại hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu ở trong vùng dịch cần theo dõi sát sao: “Việc sàng lọc và chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ được thực hiện bằng việc đo kích thước của đầu trong quá trình siêu âm thai - phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay để chẩn đoán hội chứng đầu nhỏ.
Chúng ta siêu âm, đo kích thước đầu của em bé, cụ thể đo chu vi đầu. Siêu âm 2 tuần/lần và tiến hành khám thai bình thường. Dựa vào biểu đồ phát triển để phát hiện tốc độ phát triển của đầu sẽ giảm đi hay bình thường.
Nếu tốc độ phát triển của đầu bình thường thì không ảnh hưởng gì tới Zika còn nếu tốc độ phát triển của đầu có vấn đề cần làm phương pháp chẩn đoán để khẳng định đó có phải là hội chứng não nhỏ do nhiễm virus Zika hay không. Như vậy, để phát hiện hội chứng đầu bé rất đơn giản là siêu âm đo kích thước cho thai”, PGS. TS Trần Danh Cường khẳng định.
Khi phát hiện trẻ bị chứng đầu nhỏ, thai phụ tiếp tục mang thai hay ngừng thai nghén?
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Trần Danh Cường cho hay: “Điều này thuộc về chẩn đoán trước sinh. Hội chứng đầu bé để lại di chứng vô cùng nặng nề cho đứa trẻ. Em bé sẽ bị ảnh hưởng về thần kinh, trí tuệ và vận động. Về tôn giáo ở 1 số nước, việc đình chỉ thai nghén không được phép nhưng ở nước ta việc đình chỉ thai nghén với bệnh lý này vẫn hoàn toàn cho phép.
Nên khi chúng ta khẳng định đây là hội chứng đầu nhỏ do bất kì nguyên nhân nào thì khuyến cáo thai phụ có kế hoạch nên ngừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy theo tuổi thai.
Đối với trường hợp phát hiện trước 22 tuần thì việc ngừng thai nghén dễ dàng nhưng trường hợp phát hiện muộn, sau 32 tuần thì việc ngừng thai nghén là tương đối khó khăn vì khả năng sống của em bé. Không phải cứ phụ nữ mang thai nhiễm Zika là ngừng thai nhi", ông Cường nói.
Theo khuyến cáo của PGS Cường, nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika nhưng thai nhi không bị ảnh hưởng thì hoàn toàn có thể theo dõi quản lý thai như bình thường. Phụ nữ có thai ở vùng có dịch bệnh cần phải đi khám, siêu âm 2 tuần/lần và phải thường xuyên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện vi rút Zika.
Không ảnh huỏng tới nam giới
Cũng tại cuộc họp, trả lời về việc vi rút Zika có ảnh hưởng đến nam giới hay không, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Theo tất cả các tài liệu khao học nghiên cứu trên thế giới cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy zika ảnh hưởng đến nam giới”, ông Long cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Ông Masaya Kato - Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm, WHO tại Việt Nam – khuyến cáo: Có khoảng 80% trường hợp nhiễm không có biểu hiện triệu chứng nên người dân không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, mối lo ngại là ở việc có sự nghi ngờ về mối liên hệ giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Vì thế, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ có kế hoạch mang thai phải thận trọng trong dự phòng.
Ông Masaya Kato - Trưởng nhóm về phòng bệnh truyền nhiễm, WHO tại Việt Nam
Ông Masaya Kato cũng cho rằng, cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện kịp thời các ca mắc mới. Đường truyền do muỗi nên nơi nào có mật độ muỗi cao thì nơi đó có nguy cơ lây lan cao. Các biện pháp dự phòng và kiểm soát muỗi giống với sốt xuất huyết như: làm sạch nơi muỗi dễ sinh sản, diệt bọ gậy, lật úp dụng cụ chứa nước không dùng đến...
“Việc diệt muỗi tưởng đơn giản nhưng nếu không có sự tham gia của cộng đồng thì không có kết quả tốt được. Và điều tôi muốn nhấn mạnh với phụ nữ mang thai là nếu không thực sự cần thiết thì tránh đến vùng có dịch đang lưu hành và áp dụng các biện pháp phòng bị cá nhân". Ông Masaya Kato nhấn mạnh.