Thai phụ nhiễm Zika ở TP.HCM có chồng làm việc ở Malaysia vừa về Việt Nam được 2 tuần
Sáng nay 5/4, Bộ Y tế đã công bố hai bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika tại Việt Nam. Tòa nhà Petro Vietnam cao 19 tầng ở quận 1, TP.HCM cũng đã được phun thuốc chống dịch.
Đúng như những quan ngại trước đó về virus Zika, Việt Nam đã có hai trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa. Ca bệnh ở TP.HCM là một phụ nữ 33 tuổi (ngụ quận 2). Bệnh nhân phát bệnh ngày 29/3 với triệu chứng sốt phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 ngay trong ngày. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân liên tiếp 2 lần đã trả lời dương tính với Zika. Sau đó mẫu bệnh phẩm cũng được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm lại, khẳng định dương tính hôm 4/4.
Bệnh nhân nữ này có thai 8 tuần, trước đó chồng cô đang làm việc tại
Malaysia (nước đã phát hiện có ca dương tính với Zika) vừa về Việt Nam 2 tuần trước. Chồng bệnh nhân này không có biểu hiện bệnh;
con gái 2 tuổi một tuần trước bị sốt, kết quả xét nghiệm cho thấy bé mắc sốt xuất
huyết.
Sức khỏe thai phụ vẫn ổn định
Với trường hợp bệnh nhân ở TP.HCM, trưa 5/4 đoàn lãnh đạo Bộ Y tế do Bộ
trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện
Pasteur TP HCM dẫn đầu đã đến làm việc với quản lý tòa nhà Petro Vietnam Tower
(1-5 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM). Đây là tòa nhà nữ bệnh nhân 33
tuổi dương tính với virus Zika làm việc.
Kiểm tra tòa nhà, Bộ Y tế chưa phát hiện dấu hiệu lây lan của dịch bệnh.
Bộ Y tế đã hướng dẫn ban quản lý tòa nhà phun thuốc phòng chống dịch. Theo báo
cáo của quản lý tòa nhà Petro Vietnam có 19 tầng lầu, một tầng hầm với tổng diện
tích 20.000 m2. Hiện tòa nhà này là trụ sở của hàng chục công ty, văn phòng với
hàng nghìn nhân viên ra vào mỗi ngày.
11h cùng ngày, đoàn lãnh đạo Bộ Y tế đã di chuyển đến phường Thạnh Mỹ Lợi,
quận 2 để kiểm tra nhà nữ bệnh nhân và môi trường xung quanh. Tại nhà của nữ bệnh
nhân tên L. (P.Thạnh Mỹ Lợi), vị bộ trưởng trực tiếp thăm hỏi tình hình sức khỏe
bệnh nhân. Theo ông Phạm Tuấn Kiêm (cha chị L.), con gái ông sau khi công tác về
thì bị sốt phát ban, do dang có bầu sợ bị Rubella nên đi khám ngay. Hiện tại, sức
khỏe của chị L. đã ổn định và đang ở nhà nghỉ ngơi.
Đối với sản phụ này, bộ trưởng Tiến cho hay đây là đối tượng cần giám sát đầu tiên, đặc biệt trong
3 tháng đầu thai kỳ. Những trường hợp nghi nhiễm sẽ được tiến hành siêu âm đo
kích thước đầu 2 tuần/lần. Nếu có các bất thường, các bác sĩ sẽ hội chuẩn và
đưa ra các kết luận.
Người dân không nên quá hoang mang
Tại buổi họp chiều nay, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho
biết “Hiện nay, cả nước mới chỉ phát hiện 2 ca nên chưa đáng lo ngại, chúng tôi
đã chuẩn bị đủ các phương án ứng phó. Cách đây 1 tháng, thành phố đã phát động
chiến dịch diệt muỗi trên địa bàn 24 quận huyện trước mùa mưa, chỉ đạo các bệnh
viện chủ động tuyên truyền, phòng tránh kịp thời và luôn sẵn sàng tư vấn cho
người dân để tránh gây hoang mang. Dù vậy, khi bệnh còn chưa lây lan nhanh thì
càng phải quyết liệt phòng tránh”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khuyên người dân không nên
hoang mang. Ông Bỉnh cho biết, bệnh Zika thường diễn biến ở mức độ sốt nhẹ, nhiều
trường hợp không có biểu hiện triệu chứng và tự khỏi nên không ảnh hưởng lớn đến
sức khỏe. Zika chỉ nguy hiểm đối với thai phụ trong ba tháng đầu, tuy nhiên
không phải trường hợp người có thai nào cũng bị.
“Ngay sau khi có thông tin nhiễm Zika, chúng tôi đã tầm soát trong vòng
bán kính 200m từ căn hộ có bệnh này với 137 hộ và chỉ phát hiện 9 trường hợp bị
sốt và sốt phát ban nhưng tất cả đều âm tính với virus Zika nên chúng ta có thể
an tâm vì tỉ lệ rất thấp. Và song song đó triển khai các biện pháp diệt muỗi. Với
trường hợp sản phụ thì sẽ được tiến hành siêu âm đo kích thước đầu thai nhi 2 tuần/lần”,
ông Bình phát biểu.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tiến đề nghị TP HCM cần tăng cường giám sát các bệnh viện nhi, sản; cần xét nghiệm chéo các trung tâm xét nghiệm; phun thuốc ở sở thú, đường phố, ra quân diệt lăng quăng, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành. Theo bà, thời gian tới, đặc biệt là trong mùa mưa, các bệnh viện cần tăng cường giám sát triệu chứng bệnh. Còn các địa phương cần phun, pha hóa chất diệt muỗi đúng kỹ thuật và xem xét mức độ kháng muỗi.
"Hiện, 61 nước trên thế giới có dịch Zika và Việt Nam không tránh
khỏi việc có bệnh này. Tuy nhiên mới chỉ có 2 trường hợp bị nên chưa tuyên bố dịch.
Bộ Y tế sẽ dồn sức phòng chống, mong bà con không nên quá lo lắng”, bà Tiến nói.
Bệnh nhân thứ hai cũng là nữ, 64 tuổi, trú tại Phước Hòa, Nha Trang. Bệnh
nhân khởi sốt ngày 26/3 với triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở hai chân và
đau mắt đỏ. Sau hai ngày tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ, bệnh nhân
khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa.
Bệnh nhân này không có tiền sử đi đến vùng có dịch. UBND tỉnh đã triển khai các biện pháp khoanh vùng ổ dịch tại khu vực bệnh nhân này sinh sống. Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức họp báo về trường hợp này.