Bị kẻ lạ mặt gọi đúng tên và đòi đón con gái về nhà, ông bố cảnh báo tới các cha mẹ hãy cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội
Làm cha mẹ trong thời đại 4.0, các bậc phụ huynh cần thận trọng hơn khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin liên quan tới con.
Ngày 7/1, một ông bố ở Malaysia đã lên Facebook cảnh báo các bậc cha mẹ về nguy cơ con bị bắt cóc nếu khoe quá nhiều thông tin về con trên mạng xã hội.
Theo chia sẻ của người đàn ông này, con gái của anh suýt bị bắt cóc ở ngay trên sân trường mẫu giáo.
Ihsan cho biết, vào ngày 6/1, một người lạ mặt ăn mặc chỉnh tề cố dắt con anh đi. Điều đáng sợ là kẻ lạ mặt này đã gọi đúng tên của con.
May mắn thay, một cô giáo quen với vợ Ihsan đã nhìn thấy sự việc và ngăn hành động của kẻ lạ mặt lại. "Lúc đó chúng tôi mới thấy tầm quan trọng của thầy cô giáo, không chỉ có trách nhiệm ở trong lớp học mà còn sau giờ học" – Ihsan viết trên Facebook.
Sau khi bị phát hiện hành vi, kẻ lạ mặt đã đưa ra lý do mình bị nhầm trường nên nhầm người. Hiệu trưởng trường đã ngay lập tức thông báo sự việc tới toàn bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh để mọi người nâng cao cảnh giác.
Sau sự việc con suýt bị bắt cóc, ông bố người Malaysia đã đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ: Không nên để lộ thông tin tên, trường học của con lên mạng xã hội bởi mọi thứ đều có thể xảy ra với các con, nhất là khi nạn ấu dâm đang hoành hành khắp nơi.
Mới đây, tại Việt Nam cũng đã xảy ra một trường hợp tương tự khiến các bậc cha mẹ phải giật mình. Anh D.N (sống tại TP Bắc Giang) bàng hoàng kể lại, vào ngày 9/1 kẻ gian giả danh người nhà liên tục gọi điện đến trường đòi đón con về.
"Vợ mình bỗng nhiên nhận được điện thoại tự nhận là nhân viên phòng đào tạo trường mầm non con mình đang học. Người này sau khi hỏi "chị là mẹ của T. ạ?", thì thông báo con đang sốt, sau đó giải thích là nhân viên mới đi làm và hỏi lại tên họ đầy đủ và năm sinh của con mình để làm giấy cho con nghỉ học buổi chiều.
Mình nhận thấy bất thường nên check camera và thấy con vẫn khoẻ nghịch bình thường, không có biểu hiện ốm. Đặc biệt, cô chủ nhiệm thường nói với vợ mình về tình hình con ở lớp mà cô không hề báo là con sốt. Mình lập tức gọi cho nhà trường báo về việc có nhân viên nào đó gọi cho gia đình bảo con ốm, đồng thời phi ngay lên trường con để xác nhận lại vụ việc.
Khi lên trường thì mới sốc hơn, hoá ra đã có rất nhiều cuộc gọi mạo danh là hai vợ chồng mình liên tục gọi tới nhà trường đòi đón T. về do có người báo là con sốt. Ban đầu kẻ gian đọc sai tên họ đầy đủ của T. nên nhà trường báo không có bạn nào như vậy. Thế nhưng sau đó thì đọc đúng nhưng do không đúng số bố mẹ và giọng vợ mình cô giáo tại văn phòng rất quen, nên nhà trường cũng không cho đón trẻ.
Kẻ xấu đã cãi nhau lớn tiếng qua điện thoại để đòi qua đón T. về, nói "tại sao đúng tên con tôi học tại trường, con tôi sốt lại không cho tôi đón con".
Cuộc gọi tiếp theo kẻ gian sợ bị phát giác nên gọi lần nữa cho vợ mình và hỏi chị đã qua đón T. chưa. Lúc này vợ mình nói "chị xem lại có nhầm không, chị ở đâu gọi đến", thì nó nói lại là chị chờ em xác nhận lại có thể em nhầm con với bé khác.
Kẻ gian muốn kéo dài thời gian để thực hiện hành vi của mình. Nhưng ngay sau cuộc gọi đó thì vợ chồng mình kịp thời có mặt tại trường xác nhận lại. Nhà trường cũng rất chặt chẽ trong việc đón nhận trẻ cần phải trực tiếp bố mẹ hoặc ông bà do bố mẹ đăng kí từ khi làm hồ sơ nhập học. Thế nên khi nhận thấy không đúng số điện thoại của vợ mình, nhà trường đã nói không được đón trẻ, và đồng thời xác nhận trên lớp con mình không hề sốt.
Anh D.N bày tỏ: "Trước đây vợ chồng mình chỉ đọc trên mạng và không ngờ lại có ngày thủ đoạn lừa đảo này về Bắc Giang và rơi trúng vào nhà mình.
Thời đại 4.0, thông tin cá nhân là tài sản quý giá, các bố mẹ có lẽ nên giữ kín thông tin con cái, không nên vô tình đăng ảnh con học tại trường nào để qua đó kẻ gian nắm được thông tin và có thể gây nguy hiểm đến cho các con".