Bi hài chuyện những cặp vợ chồng phải “kiêng nhau”...
Chị còn nhớ, có một lần sau khi hôn chị, anh đã dùng nguyên cả chai nước muối sinh lý để súc miệng...
Có chồng là bác sĩ làm tại khoa truyền nhiễm của một bệnh viện, chị Duyên (Đống Đa, Hà Nội) đã quen với việc chồng thường xuyên vắng nhà vào những đợt cao điểm hoặc có dịch bệnh.
Chị Duyên tâm sự rằng, ngay từ dạo còn yêu nhau, hai anh chị đã có những lần “nhớ đến phát điên” nhưng không dám gặp mặt chỉ vì sợ virut còn vảng vất bám ở người anh từ bệnh viện lây truyền sang chị. “Mỗi một đợt có dịch bệnh gì là chúng tôi gần như không gặp mặt nhau, phần vì anh ấy phải túc trực ở bệnh viện, phần khác là để hạn chế con đường lây nhiễm cho tôi” - chị Duyên nói.
Kể về quãng thời gian gần đây, khi mà muốn gặp chồng nhưng phải tránh như tránh bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm, chị Duyên cho hay: “Tôi vừa sinh cháu thứ 2 được hơn 6 tháng thì dịch sởi bùng phát. Cháu chưa đủ tuổi tiêm phòng, tôi lại chưa từng bị lên sởi cũng không tiêm phòng trước đó nên thấy rất lo lắng. Trong khi đó, anh ấy là bác sỹ làm tại khoa truyền nhiễm, đợt vừa rồi mỗi ngày anh ấy tiếp xúc với vô số bệnh nhân nhi mắc sởi. Để an toàn cho cả tôi và con, cả nhà quán triệt anh ấy không được về nhà”.
Cũng theo lời chị Duyên kể, trước đó, mỗi lần chồng chị có ca cấp cứu hoặc bất chợt gọi điện thoại về báo phải ở lại bệnh viện vài ngày, thì bố mẹ chồng chị ca thán. Thế nhưng đợt này, hai ông bà nắm được thông tin về dịch sởi, khi chồng chị gọi về, chưa kịp nói gì, hai ông bà đã “rào” luôn đường về của anh: “Thôi ở luôn đó đi, bao giờ hết dịch thì về”.
Ngay cả khi chồng chị nhớ vợ con, đã về nhà ngoại tắm rửa sạch sẽ rồi mới tranh thủ tạt qua nhà, thì bố mẹ anh cũng bắt anh đứng ngoài cổng nhìn vào. Nói, giải thích kiểu gì hai ông bà cũng kiên quyết không cho vào vì sợ cháu lây bệnh.
Và như vậy, trong gần 1 tháng hai anh chị phải cách ly, “Chúng tôi được bố mẹ chồng quán triệt rằng phải ‘kiêng nhau’ hoàn toàn. Gặp nhau thì đứng từ xa ngắm lại chứ đừng nói chuyện âu yếm, đụng chạm được vào nhau” - chị Duyên chia sẻ.
Vì anh là bác sỹ làm việc trong khoa truyền nhiễm nên có nhiều khi anh chị phải "kiêng nhau" vì chị sợ "dính" phải virut anh "mang về từ bệnh viện (Ảnh minh họa)
Là một bác sĩ trẻ, đang công tác tại bệnh viện lao phổi, chị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) hiền từ cười kể lại chuyện mỗi lần chị từ bệnh viện về là chồng chị hiếng mắt, hất đầu về phía nhà tắm. Ngụ ý của anh là chị phải “gột” cho kỳ hết cái đám virut, vi trùng, vi khuẩn bám trên người chị trước khi đụng vào bất cứ vật dụng hoặc ai đó trong nhà.
“Anh ấy không phải là người trong nghề nên thường phản ứng theo kiểu cứ nghe đến tên là sợ. Tôi là bác sỹ thế nhưng người để ý đến các vật dụng vệ sinh, sát khuẩn trong nhà luôn là anh ấy. Câu cửa miệng của anh ấy lúc nào cũng là ‘em rửa tay chưa’; ‘em thanh trùng cơ thể chưa’… Anh ấy còn nói với tôi là ‘kể mà dùng lửa hơ lên người vợ không gây bỏng, thì anh cũng làm để diệt hết cái đám vi trùng gớm ghiếc đó’” - Chị Thúy kể lại.
Tâm sự về tình huống dở khóc, dở cười giữa hai vợ chồng từng gặp phải, chị Thúy cho biết: “Khi chúng tôi vừa quyết định cưới nhau thì cũng là lúc tôi nhận được quyết định về bệnh viện lao phổi. Vừa nghe tin tôi về bệnh viện đó, anh ấy giãy nảy lên và còn dọa hủy đám cưới nếu tôi vào làm ở viện đó”.
Chị Thúy còn nhớ, lý do lúc đó anh đưa ra là “Ở bên người bị lao thì sẽ lây nhiễm. Một khi em lây nhiễm thì anh cũng lây nhiễm”. Và chị Thúy đã phải mất mấy tháng phổ cập kiến thức, họ hàng hai bên ra sức thuyết phục, thì anh mới có phần xuôi, để chị nhận quyết định công tác.
Tuy nhiên, theo lời chị Thúy kể thì từ ngày chị vào bệnh viện lao phổi làm, anh không còn vồ vập như trước. Đến cái nắm tay anh cũng dè chừng và đặc biệt là hạn chế hôn chị. “Không khó để nhận ra sự khiên cưỡng của anh ấy. Thực tế đó là vì vấn đề đó không thuộc lĩnh vực hiểu biết của anh ấy. Về sau tôi hỏi thẳng thì anh ấy ngượng nghịu nói rằng ‘dù thế nào thì anh vẫn có cảm giác ghê ghê’. Có một lần tôi phát hiện sau khi hôn tôi anh ấy súc miệng hết cả chai nước muối sinh lý” - chị Thúy cho hay.
Hay như lần anh đến bệnh viện đón chị, chứng kiến cảnh bệnh nhân ho và khạc nhổ, về nhà anh kinh hãi đến mức cả tháng trời không dám đụng đến người vợ. Cho đến hiện tại, dù đã hiểu hơn về công việc của vợ, thế nhưng chồng chị Thúy vẫn hàng ngày giữ vai trò giám sát và nhắc nhở vợ chuyện vệ sinh thân thể mỗi khi chị từ cơ quan về nhà.
Kể về tình huống khá phổ biến trong vai trò của một người chồng là bác sỹ ở khoa truyền nhiễm, anh Dũng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Không chỉ riêng bản thân tôi mà có rất nhiều lần tôi nghe đồng nghiệp kể chuyện về nhà bị vợ hoặc chồng cho ngủ riêng vì quan niệm rằng làm ở khoa truyền nhiễm, dễ mang mầm bệnh về nhà. Có những cô cậu mới cưới nhau nhưng phải ‘kiêng’ cả tuần vì vợ không cho nằm chung giường, không cho đụng vào người do chồng cả ngày... tiếp xúc với bệnh nhân bị thủy đậu”.