Chuyện buồn đằng sau chiếc áo lương y

NN (TH),
Chia sẻ

Tại Hà Nội, một bác sĩ ném xác nữ bệnh nhân xuống sông Hồng để phi tang. Tại Bình Phước, nữ hộ sinh tát vào mặt thai phụ, tắc trách khiến thai nhi tử vong. Cả 2 sự việc diễn ra liên tiếp trong thời gian ngắn khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ vì sự tha hóa nghiêm trọng của những người được gọi là "từ mẫu".

Tội ác kinh hoàng của "bác sĩ tử thần"

Vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, trú xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng để phi tang sau khi phẫu thuật thẩm mỹ thất bại đã khiến dư luận rúng động.

Người ta sững sờ, bàng hoàng bởi tội ác kinh hoàng của một bác sĩ, thạc sĩ, thậm chí sắp làm tiến sĩ của một bệnh viện lớn có tên tuổi ở Hà Nội - Bệnh viện Bạch Mai. Rồi đến khi cơ quan điều tra vào cuộc thì dư luận lại càng phẫn nội khi sự thật dần được hé lộ. Vì một vị bác sĩ mở trung tâm thẩm mỹ trái phép mà chị Lê Thị Thanh Huyền, một người phụ nữ trẻ khát khao làm đẹp phải bỏ mạng. Đau đớn hơn khi thi thể chị bị ném xuống sông, chưa biết trôi về đâu dù người nhà và thợ lặn liên tục mò tìm suốt mấy ngày qua.

Chuyện buồn đằng sau chiếc áo lương y 1
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tại hiện trường vứt xác nạn nhân.

Quay trở lại thời điểm bắt đầu vụ việc kinh hoàng, ngày 18/10, chị Huyền đã đến thẩm mỹ viện Cát Tường, nơi bác sĩ Tường là giám đốc, để đặt vấn đề làm dịch vụ và đã đặt cọc 50 triệu đồng. Sáng 19/10, chị Huyền đến thẩm mỹ viện này để thực hiện phẫu thuật và các nhân viên gồm Lê Ngọc Vân, Bùi Thị Hoa và một người tên Thư (đều là y tá tại thẩm mỹ viện này) đã gây mê cho chị Huyền.

Sau khi thực hiện thủ thuật gây mê, bác sĩ Tường đã trực tiếp thực hiện việc phẫu thuật, hút mỡ và nâng ngực cho chị Huyền.

Khoảng 16h cùng ngày, ca phẫu thuật thực hiện xong và các nhân viên đưa chị Huyền ra phòng nghỉ. Một lúc sau, các nhân viên phát hiện chị Huyền có biểu hiện khó thở, sùi bọt mép nên đã tiêm thuốc.

Đến khoảng 17h, chị Huyền có dấu hiệu tím tái nên bác sĩ Tường đã chỉ đạo việc thở oxy và thực hiện các biện pháp cấp cứu. Đến khi ông Tường quay lại thẩm mỹ viện thì phát hiện nạn nhân đã chết lâm sàng và tử vong sau đó.

Do sợ trách nhiệm, bác sĩ Tường đã cho các nhân viên trung tâm nghỉ về nhà, đồng thời tìm mọi cách phi tang, xóa dấu vết. Tối cùng ngày, ông Tường lấy xe ôtô của mình, cùng nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh (17 tuổi, trú phố Hàng Bài) mang xác nạn nhân lên ôtô. Sau đó, ông Tường chỉ đạo Khánh đi xe máy của nạn nhân, ông Tường lái ô tô lòng vòng qua nhiều tuyến phố rồi cuối cùng vứt xác nạn nhân xuống cầu Thanh Trì.

Hành động liều lĩnh, táng tận lương tâm và máu lạnh của người bác sĩ chỉ trước đó một ngày còn được cả xã hội tôn vinh khiến ai cũng phải ớn lạnh. Nhiều người sau đó đã gọi bác sĩ Tường là "bác sĩ tử thần".

Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, thẩm mỹ viện Cát tường do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm chủ, tuy không đăng ký và được cấp phép thực hiện các dịch vụ như như bơm ngực, cắt mí mắt, hút mỡ bụng, mỡ chi… nhưng vẫn quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ ngoài phạm vi cho phép (chăm sóc da), với giá thành quảng cáo mỗi dịch vụ lên đến 30-60 triệu đồng.

Những lời chửi mắng và cái tát trong phòng đẻ

Vụ việc sản phụ xin được mổ để cứu con nhưng những người trong ca trực lờ đi, khiến trẻ sơ sinh chết oan, cùng việc sản phụ liên tục bị nữ hộ sinh quát tháo, tát tai cũng khiến dư luận phẫn nộ thời gian gần đây.

Theo anh Phạm Văn Nam (SN 1984, ngụ huyện Đồng Phú), đêm 30/9, vợ anh là chị Đặng Thị Xuân Lộc (SN 1988) vỡ ối nên gia đình đưa vào BVĐK huyện Đồng Phú sinh. Sau đó, chị Lộc được chuyển lên BVĐK Bình Phước.

Đến 4h ngày 1/10, bác sĩ Đặng Văn Luận, Trưởng Khoa Sản, cho biết chị Lộc vẫn đang rặn sinh. Khi anh Nam nói nếu vợ mình không sinh thường được thì xin đẻ mổ, bác sĩ Luận chỉ bảo thai của chị Lộc rất to rồi bỏ đi. Đến khoảng 6h50, bác sĩ Luận cho biết con anh phải đưa sang Khoa Nhi điều trị vì thiếu oxy. Khoảng 5 phút sau, một nữ hộ sinh (NHS) cho rằng vợ con anh vẫn khỏe rồi yêu cầu “bồi dưỡng” 500.000 đồng.

Chuyện buồn đằng sau chiếc áo lương y 2
Anh Phạm Văn Nam, cha nạn nhân.

Đến 15h, bác sĩ gọi anh Nam vào thông báo đứa bé rất yếu, phải chuyển đến BV Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu. Đến 20h30, con anh tử vong.

Kể lại sự việc khi đó, chị Lộc bức xúc: “Do mới sinh con lần đầu, tôi không biết làm sao nhưng mỗi đợt rặn đẻ là bị nữ hộ sinh chửi. Nữ hộ sinh tên N.T.Y còn đánh vào đùi tôi nhiều lần. Sau đó, cô Y. còn nói: “Kệ cha nó, cho nó nằm đấy rặn một mình” rồi bỏ đi dù tôi đã van xin họ cứu mẹ con tôi”.

Tham gia trực trong ca sinh của chị Lộc, chị Nguyễn Thị Huyền (thực tập sinh Khoa Sản, sinh viên Trường Trung cấp Y tế tỉnh Bình Phước) nhớ lại: “Chị Lộc được chuyển vào khoa khi đã vỡ ối. Đến 23h, chị Lộc yêu cầu: “Các chị khám xem em có thể sinh được không, nếu không thì cho em mổ”. Đến 4h30 ngày 1/10, tôi trở lại phòng sinh thì thấy chị vẫn nằm rặn”.

Chuyện buồn đằng sau chiếc áo lương y 3
Nhân chứng - nữ thực tập sinh Nguyễn Thị Huyền kể lại vụ việc.

“Một lúc sau, chị Lộc vẫn không sinh được dù 2 nữ hộ sinh đã thay phiên đỡ, cuối cùng nữ hộ sinh Y. phải ra tay. Chị Lộc rất mệt, phải thở oxy và kim truyền dịch bị tuột nhưng một nữ hộ sinh vẫn đứng bấm ĐTDĐ. Do xử lý chưa quen, tôi bị nữ hộ sinh Y. chửi là ngu rồi quay sang quát sản phụ Lộc: “Mày mập như heo mà không biết rặn hả? Vợ chồng mày không biết điều…, tao bỏ mặc mày ở đây”, chị Huyền kể.

Theo chị Huyền, lúc ấy chị Lộc luôn miệng van xin được sinh mổ. “Đến 6h30, tôi vẫn đứng giữ dây truyền dịch, nữ hộ sinh Y. leo lên bàn ấn bụng chị Lộc. Khi chị Lộc ho, NHS Y. tát vào mặt chị rồi quát: “Quay mặt ra kia, vi khuẩn văng đầy người tao”!... Lúc 6h50, bé trai được kéo ra ngoài trong tình trạng bị ngạt và chuyển sang Khoa Nhi. Lúc này, tôi cũng xong ca trực”, chị Huyền nhớ lại.

Hiện bệnh viện đa khoa Bình Phước đã lập đoàn thanh tra làm rõ đơn của anh Phạm Văn Nam tố cáo ca trực của Khoa Sản đêm 30/9 tắc trách dẫn đến con trai anh vừa sinh đã tử vong. Dù chưa có kết luận cuối cùng xong lời kể của những nhân chứng trong vụ việc đã cho thấy sự tha hóa y đức khủng khiếp của một bộ phận những người khoác trên mình chiếc áo blu trắng cao quý.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Hai vụ việc kể trên chỉ là minh chứng cho một loạt những sai phạm trong ngành y thời gian vừa qua. Chỉ tính riêng trong năm nay, ngành y liên tiếp đối mặt với nhiều tai tiếng: vụ việc chết 3 trẻ sau tiêm vacxin ở Quảng Trị; làm chết sản phụ dẫn đến quan tài diễu phố ở Thanh Hóa, rồi nhân bản xét nghiệm, bớt vacxin khi tiêm cho trẻ, tráo đổi thuỷ tinh thể khi phẫu thuật ngay tại Hà Nội…

Trước những sự thật bày ra trước mắt, không ai có thể chối bỏ được tình trạng tha hóa nghiêm trọng của một bộ phận thầy thuốc. Chưa cần nói về vấn đề chuyên môn mà mới chỉ cần đề cập đến cách ứng xử của người bác sĩ, cách giải quyết vấn đề của ngành y tế đã khiến dư luận phải bất bình, phản ứng và thậm chí phản kháng dữ dội. Rõ ràng, niềm tin của người dân vào những "từ mẫu" khoác áo blu trắng đang bị khủng hoảng trầm trọng.

Sau vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ Y tế đã chính thức đưa ra lời xin lỗi với gia đình nạn nhân và toàn thể nhân dân, đồng bào. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Y tế khẳng định: "Đạo đức nghề nghiệp và y đức thời gian qua đáng báo động rất lớn. Chúng tôi cũng rất đau đớn, xót xa".

Tuy nhiên, mỗi người dân dù là đang có bệnh hoặc chưa có bệnh đều trông đợi một hành động cụ thể để không một cơ sở y tế nào không được cấp phép mà vẫn hoạt động, để người thầy thuốc có trách nhiệm thực sự với nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân.
Chia sẻ