Bị đánh ghen tím mặt vì gọi đồng nghiệp là "ông xã"
Nhìn chị tơi tả sau trận đòn ghen của vợ một đồng nghiệp, anh vừa thương vừa giận. Thương vì biết rõ chị bị oan. Còn giận vì chị không chịu sửa đổi tính cách dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc.
Ngoài 30 tuổi, lại đã làm mẹ của hai đứa con nhưng chị thiếu sự đằm thắm, nữ tính. Ruột để ngoài da, nghĩ gì chị nói nấy, chẳng bận tâm tới phản ứng của người xung quanh. Chứng kiến vợ không ít lần chuốc lấy những rắc rối, phiền muộn cho bản thân và gia đình, anh thẳng thắn có, nhẹ nhàng có, lựa lời góp ý song chị bỏ ngoài tai tất cả. Chị thường bao biện rằng tính chị vậy rồi, và rằng: “Sống thoải mái, vô tư, chứ lúc nào cũng ý tứ, giữ kẽ làm gì cho mệt”…
Trong buổi họp lớp, trước mặt anh và vợ cậu bạn học, chị thản nhiên bá vai bạn rồi oang oang tuyên bố ngày trước cậu ấy đơn phương theo đuổi mình. Rồi chị kể về những chi tiết “ngây ngô” trong lá thư dài 3- 4 trang giấy bạn bộc bạch rung động đầu đời. Nào là “nếu không yêu được cậu, mình nguyện sẽ ở vậy suốt đời”, “cậu là người con gái đầu tiên và sẽ là người duy nhất mình yêu”, rồi thì “chỉ cần có cậu bên cạnh thì dù đi tới chân trời góc biển mình cũng chẳng quản ngại”.
Chị còn kiêu hãnh thốt lên: “Nghĩ lại cũng thấy khổ thân ông bị tôi làm tình, làm tội suốt 3 năm trời. Hồi đó, tôi không thích ông nhưng nghe mấy đứa cùng bàn xui nên cứ bắt ông phải trực nhật, chép bài về nhà thay và mua bỏng ngô cho bọn tôi. Tội nghiệp nhất là cái lần trời mưa như trút, ông mang túi bỏng ngô về mà quần áo ướt sũng, người run cầm cập”…
Thấy sắc mặt vợ người bạn thay đổi hẳn, còn cậu ấy tỏ ra lúng túng, khó xử, anh ra hiệu cho chị chuyển đề tài khác song đang “vào guồng”, lại được mấy cô bạn phụ họa thêm nên chị gạt phắt đi với lí do “mấy khi được cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời đi học”. Thậm chí, chị còn hồn nhiên đến mức vỗ vai vợ bạn mình và bảo: “Em phải cảm ơn vì ngày đó chị từ chối thì em mới có cơ hội trở thành bà xã của cậu ta”…
Ngày hôm sau, cậu bạn gọi điện cầu cứu chị hãy giải thích đó chỉ là tình cảm lãng xẹt trẻ con chứ vợ cậu ấy đang lồng lộn ghen tuông và tức tối đòi ly dị. Không chỉ suy diễn hai người từng có quá khứ thắm thiết, cô ấy còn cho rằng mình bị nhạo báng, mỉa mai là “kẻ đến sau”. Chị gọi điện cô ấy không thèm nghe máy, tìm gặp thì cô ấy kiên quyết tránh mặt. Người thân của cô ấy bức xúc chỉ trích chị bằng những lời nặng nề khó nghe.
Họ còn đe dọa nếu vợ chồng cậu ấy bỏ nhau họ sẽ không để cho chị được sống yên ổn… Không đành lòng đứng ngoài cuộc, anh phải rất nhiều lần đi lại mới thuyết phục được vợ người bạn kia hiểu ra. Cuối cùng cô ấy cũng chịu rút đơn, cho chồng một cơ hội với điều kiện phải chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ với chị, không được liên lạc dù chỉ là qua điện thoại…
Những tưởng sau lần đó chị sẽ tự đúc rút cho mình một bài học nhớ đời, nào ngờ “bản tính khó dời”, chị vẫn chứng nào tật nấy. Ở cơ quan, chị thường gọi một nam đồng nghiệp là “ông xã”. Mỗi lần đi đâu đó, chị thường chủ động ngồi sau xe anh ấy và tếu táo đùa “mọi người thấy chúng tớ có xứng đôi vừa lứa không”. Cô bạn cùng phòng cảnh báo “vợ anh ấy ghê gớm tựa sư tử Hà Đông”, chị chủ quan chép miệng: “Cây ngay sợ gì chết đứng. Nếu lăng nhăng, bồ bịch thì phải lén lút, ngấm ngầm chứ dại gì công khai ra. Với lại, chẳng có người nào tâm lý, chiều vợ bằng ông xã tôi nên tôi đâu có dại thả mồi bắt bóng”.
Không ngoài dự đoán của mọi người xung quanh, một buổi chiều vợ anh đồng nghiệp đi cùng 3 thanh niên mặt mày dữ tợn, cánh tay xăm trổ xộc vào phòng chị đánh ghen. Họ khống chế cả bảo vệ nên chị bị một trận thâm tím mặt mày. Chỉ đến khi lãnh đạo cơ quan gọi công an phường đến can thiệp, chị mới được giải thoát.
Dư luận cũng có người cảm thông nhưng cũng không ít kẻ vốn ghen ghét đố kị thì nhân cơ hội đó thêm thắt, đặt điều và khẳng định “không có lửa làm sao có khói”. Họ quy kết chị lẳng lơ, đa tình, cặp với hết người nọ với người kia nên mới bị đánh ghen. Những lời đồn thổi ấy đến cả cơ quan anh. Đồng nghiệp rỉ tai nhau cho rằng anh yếu đuối, nhu nhược, bị vợ “cắm sừng” mà vẫn bình chân như vại…
Chị ấm ức trách móc vợ của cậu bạn và anh đồng nghiệp là những người không hiểu chuyện, ghen tuông vô lối mà không nhận ra rằng chính những lời nói, cử chỉ thân thiện thái quá của chị đã thổi bùng lên ngọn “lửa ghen” vốn tiềm ẩn trong bất cứ cuộc hôn nhân nào. Dù rất cảm thông với tính cách của vợ nhưng sau vài lần “chuốc vạ vào thân” bởi những phiền phức từ sự ghen tuông, anh không khỏi hụt hẫng, thất vọng. Từ đáy lòng, anh hi vọng chị sẽ thay đổi, sẽ chín chắn hơn trong lời nói, trưởng thành hơn trong cư xử để cuộc sống gia đình không còn bị xáo trộn bởi những bi kịch “từ trên trời rơi xuống”…