Bí ẩn loại đá có khả năng nổi lềnh bềnh trên mặt nước và lý giải của các nhà khoa học
Bằng cách sử dụng tia X-Rays, các nhà khoa học đã giải mã được những bí ẩn về loại đá có thể nổi trên mặt nước.
Một nhóm các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley National (Mỹ) đã tiến hành quét một mẫu đá núi lửa thủy tinh có khối lượng nhẹ và tính xốp được gọi với cái tên đá bọt.
Không giống như hầu hết các loại đá khác, đá bọt có thể nổi trên mặt nước. Trong một khoảng thời gian dài, những viên đá này đã trôi qua nhiều dặm nước biển. Dựa vào đặc điểm đặc biệt này của đá bọt, các nhà khoa học đã có cơ sở để tiến hành nghiên cứu và khám phá ra những điều còn ẩn giấu trong những trận phun trào núi lửa dưới nước.
Không giống như chúng ta nghĩ, Trái đất còn có loại đá có khả năng nổi trên mặt nước. Đó chính là đá bọt.
Về khả năng có thể trôi nổi trên mặt nước, kết quả nghiên cứu cho thấy những túi khí nằm sâu bên trong chính là nhân tố khiến những viên đá này có thể "bơi" xa nhiều dặm nước biển như vậy. Nói đến đây, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng tại sao những túi khí đó lại có thể tồn tại trong một thời gian dài đến như vậy mà không bị vỡ.
Cuối cùng thì các nhà khoa học cũng tìm ra câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ: đá nổi trên mặt nước.
Giải thích về điều này, các nhà khoa học cho biết có thể dùng hình ảnh những con côn trùng, thằn lằn chạy trên mặt nước mà không bị chìm để làm hình ảnh so sánh đối chiếu cho câu trả lời.
Theo đó, quá trình "giam giữ" khí gas bên trong những hòn đá là sự căng bề mặt. Cụ thể, sự tương tác hóa học giữa bề mặt nước và không khí phía trên hoạt động giống như một lớp da mỏng không thấm nước. Điều này giúp những viên đá có thể nổi lềnh bềnh trên mặt biển trong thời gian dài.
Đá bọt nổi trên mặt biển sau vụ phun trào núi lửa.
Về quá trình nghiên cứu để giải mã những bí ẩn của đá bọt, Kristen E Fauria, một học viên cao học tại trường Đại học California, Berkely, Mỹ đồng thời cũng là trưởng nhóm nghiên cứu lần này, cho biết: "Câu hỏi về loại đá có thể nổi trên mặt nước đã xuất hiện từ lâu, thế nhưng từ đó đến nay nó vẫn bị bỏ ngỏ. Ban đầu người ta nghĩ những túi khí trong viên đá được bịt kín giống như một chiếc chai nhựa nổi trên mặt nước. Thế nhưng, qua quan sát chúng tôi thấy rằng những túi khí này hoàn toàn mở chứ không đóng kín".
Để hiểu được những gì đang diễn ra bên trong các viên đá, nhóm nghiên cứu đã tiến hành bôi một loại sáp lên bề mặt những viên đá chứa những lỗ khí nhỏ như lỗ chân lông. Sau đó, họ đã sử dụng tia X-Rays để nghiên cứu nồng độ nước, khí và quá trình tương tác giữa chúng như thế nào. Từ đó có thể đưa ra kết luận.
Đá bọt với khả năng nổi trên mặt nước là một hiện tượng hiếm, việc nghiên cứu và giải mã thành công hiện tượng này đã khẳng định thêm một thành công nữa của nền khoa học Mỹ nói chung và khoa học thế giới nói riêng.
(Nguồn: indianexpress)