Bí ẩn bức tượng không đầu trong thành Cổ Loa
Nhiều năm nay, ở vùng đất thiêng Cổ Loa vẫn tồn tại câu chuyện bí ẩn về một bức tượng, được đồn chính là di thể của công chúa Mỵ Châu. Nằm ở phía Tây thành Cổ Loa - kinh đô nước Âu Lạc xưa, dưới thời An Dương Vương, nơi được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1962, am thờ Mỵ Châu cất giấu một câu chuyện tình đẫm nước mắt.
Qua bao trang sử dài của dân tộc, chuyện xưa về thành Cổ Loa vẫn còn đó. Mỗi khi du khách trở về thành cổ, ghé am nhỏ thờ nàng công chúa Mỵ Châu, đều được nghe câu chuyện về bức tượng mang dáng hình một người phụ nữ ngồi xếp bằng, tay buông dọc đặt trên gối. Bức tượng ấy không có đầu.
Lối dẫn vào am hiện nay chỉ là một vòm cửa nhỏ xây bằng gạch, cũng chính là dấu tích dưới tán đa cổ ngày xưa.
Theo thông tin tại am Mỵ Châu, am thờ có niên đại muộn, khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Am thờ gồm 2 tòa tiền tế và hậu cung, bố cục chữ "Đinh", cách nhau một khoảng sân nhỏ. Trong hậu cung có một tảng đá lớn hình người không đầu, theo dân gian tương truyền, đây là tượng của công chúa Mỵ Châu.
Hàng năm, du khách đổ về thăm thành Cổ Loa đều ghé đến am Mỵ Châu. Được chiêm ngưỡng tận mắt bức tượng không đầu, lắng nghe tích xưa dội về...
Chuyện tình bi thương mang tiếng ngàn đời trong lịch sử
Mấy ai thời đi học mà không "ám ảnh" 4 câu thơ kinh điển của nhà thơ Tố Hữu:
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu..."
Chuyện tình của Mỵ Châu - Trọng Thủy vang vọng khắp dòng chảy lịch sử, khắc vào trái tim người ta nhiều sự trách cứ lẫn xót xa.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Thục có chép rằng: Năm 210 TCN, Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du trấn Bắc Giang, đánh nhau với vua, vua đem nỏ thần để bắn, Đà thua chạy, lui về giữ núi Vũ Ninh, sai sứ sang giảng hòa. Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu để túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu, vua bằng lòng gả.
Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu xem trộm nỏ thần, rồi ngầm lấy lẫy nỏ mà đổi cái khác, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng:
"Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa nhau, kẻ Nam người Bắc cách nhau, ta lại đến đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?".
Mỵ Châu lúc bấy giờ nói: "Thiếp có cái nệm gấm nhồi lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ra lối đường rẽ để làm dấu". Cứ thế, Trọng Thủy về báo cho cha mình biết.
Năm 208 TCN, Triệu Đà mang quân đánh, vua không biết lẫy nỏ thần đã mất. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi trên ngựa, cùng chạy về phương Nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng đuổi theo. Vua chạy đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, gọi rùa vàng liền mấy tiếng: "Mau đến cứu ta".
Rùa vàng nổi lên mặt nước mắng rằng: "Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?".
Vua toan rút gươm chém Mỵ Châu, nàng khấn rằng: "Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin chết hoá thành châu ngọc để rửa thù nhục này". Sau khi bị vua cha chém đầu, máu của Mỵ Châu chảy trên mặt nước, loài trai nuốt vào bụng hóa làm hạt minh châu. Còn nhà vua cầm sừng văn tê dài 7 tấc nhảy xuống biển đi mất.
Tục truyền, núi Dạ Sơn, xã Cao Xá, thuộc Diễn Châu, Nghệ An, là nơi ấy. Người chồng dối lừa khi đến nơi thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc, ôm lấy xác nàng đem về chôn ở Loa Thành, hóa thành đá ngọc.
Chuyện kể rằng, Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại chỗ Mỵ Châu tắm gội khi xưa, thương xót khôn xiết, cuối cùng nhảy xuống đáy giếng mà chết. Người đời sau, lấy nước giếng ấy mà rửa ngọc trai, sắc ngọc càng trong sáng hơn.
Bí ẩn pho tượng cụt đầu trong thành Cổ Loa
Nếu như chuyện xưa chỉ dừng ở đó, ai cũng biết. Cho đến khi trên bến sông Hoàng Giang xuất hiện một phiến đá lạ. Phiến đá ấy tựa hình người cụt đầu. Trẻ con ở làng cứ thế ra nô đùa, trèo lên nghịch trở về gặp bệnh nặng. Đến khi bô lão ở làng ra làm lễ, tạ lỗi với tảng đá thiêng thì mọi chuyện mới bình thường trở lại. Sự lạ ấy khiến các cụ nghĩ đá có linh tính, bèn sai trai tráng chuyển về để tỏ lòng tôn kính. Tương truyền, chuyện lạ còn xảy ra khi mang tượng đá về.
Mới đầu, trai tráng trong làng dốc sức kiệu tượng đá lên, nhưng khi đến đình Ngự Trì Di Quy thì dây đứt. Dù có thay bao nhiêu dây mới cũng không thể làm tượng xê dịch được nữa. Cho là ý niệm "chọn nơi đất lành", dân làng lập am nhỏ thờ phiến đá ở đó. Hình dạng phiến đá khiến người dân bấy giờ bất ngờ, cho rằng đó có thể là di thể của nàng Mỵ Châu, hóa đá trở về thành cũ.
Từ ấy trở đi, am nhỏ bên cạnh đình Ngự Trì Di Quy vẫn luôn rộn bóng chân người lui tới. Có người tò mò ngắm pho tượng cụt đầu như thể đó là minh chứng cho tích xưa còn đọng lại.
Câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy vừa hay là biến cố đưa quốc sử viết tiếp một trang khác. Thời cuộc đổi thay, nhìn lại câu chuyện tình ấy phần nhiều là trách cứ xen lẫn sự xót xa. Tưởng chừng như chuyện tình bi thương ấy chỉ dừng lại khi Mỵ Châu bị chém đầu, Trọng Thủy tự tử ở giếng Ngọc, nhưng am Mỵ Châu lại tiếp thêm sức mạnh cho nhiều đôi uyên ương đến đây xin một mối duyên tình.
Chuyện tình đầy bi thương của Mỵ Châu - Trọng Thủy trọng tâm không đại diện cho mối duyên lành. Từ tích xưa trong lịch sử, vì tin lầm mà nàng công chúa "làm đắm cơ đồ biển sâu" gánh theo tiếng oan thiên thu vạn cổ. Họa chăng từ câu chuyện thời xa xưa ấy, trở thành bài học lịch sử "việc nhi nữ - lòng quân vương" cho tất cả chúng ta, về việc tỉnh táo đặt niềm tin, không được chủ quan trong những vấn đề mang tính đại sự. Thời nay, không ít người mượn câu chuyện về Mỵ Châu - Trọng Thủy gọi tiếng lóng những người xem nhẹ tự tôn dân tộc là "Mỵ Châu".
Pho tượng cụt đầu liệu có phải là di thể của nàng Mỵ Châu hay không, câu trả lời vẫn là một ẩn số. Nhưng sự trùng hợp ở thành cổ cho thấy, cho đến hiện tại Mỵ Châu - Trọng Thủy vẫn có mối liên hệ sâu sắc.
Bức tượng thờ được phủ kín áo vải điều vàng thêu hoa văn được thờ dưới ánh đèn phiếm đỏ thâm u. Am nhỏ luôn được khoá lại, chỉ mùng 1 và ngày Rằm mới mở ra, bởi vậy du khách thường đứng ngoài vái vọng qua song cửa.
Xung quanh thành cổ này, còn có rất nhiều câu chuyện kỳ bí được dân gian truyền miệng, đúng sai chắc chắn không ai biết được, tuy nhiên chính điều này lại tạo nên sức hút cho Cổ Loa.
Chỉ biết rằng, những truyền thuyết được truyền lại cho đời sau, nuôi dưỡng một dòng chảy văn hóa lịch sử về đời ông cha. Và sự tồn tại của bức tượng không đầu là minh chứng cho sức sống của một câu chuyện tình bi thương trong lịch sử. Pho tượng không đầu đặt ở hậu cung, được khoác xiêm y lộng lẫy ấy vẫn được người dân tìm về một lòng chiêm bái đầy cung kính. Xin mượn 4 câu của nhà thơ Vương Trọng để bày tỏ nỗi lòng này:
"Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi
Lúc yên bình và cả khi giặc giã
Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa
Yêu chân thành, thật có tội gì đâu?".