Lịch sử quả vải thiều: Từ tên gọi mỹ miều gánh án oan đẫm máu đến họa tiết được khắc lên Cửu đỉnh trong Đại nội Huế
Vải thiều với tên gọi đẹp đẽ là "lệ chi" không chỉ là một thức quả ngon mà nó đã đi vào thơ ca, văn hóa của người Việt.
Vải đang vào mùa, đặc biệt ở khu vực Bắc Giang. Những ngày này, hình ảnh những chiếc xe máy chằng buộc đầy những tải vải đỏ rực rỡ chạy trên đường khiến người ta không khỏi thích thú. Chẳng biết quả vải có lịch sử từ bao giờ, nhưng từ rất lâu, quả vải đã trở thành sản vật nổi tiếng của nước ta. Không chỉ là thức quả đi cùng năm tháng, quả vải còn đi vào sử sách, chứng kiến bao thăng trầm của thời gian.
Đặc sản xứ Nam
Có nhiều tài liệu ghi lại việc quả vải nước ta được mang sang "cống nạp" Trung Quốc thời xưa.
Ngược về những ngày tháng cách đây khoảng 2.200 năm (từ thế kỷ II đến đầu thế kỷ III), xứ Giao Chỉ ta có loài cây đặc sản được người Hán gọi với cái tên đẹp đẽ là "lệ chi". Cuốn sách cổ "Tiền Hán Thư" chép rằng, giống lệ chi ở xứ Giao Chỉ rất thơm ngon mà các nơi khác ở "thiên triều" không hề có.
Cuốn Nam phương thảo mộc trạng, được cho là của tác giả Kê Hàm đời Tây Tấn (Trung Quốc), xuất bản năm 304 là cuốn sách ghi chép về cây cỏ, thực vật ở phương Nam.
Theo Nam phương thảo mộc trạng, vào năm 111 TCN, Hán Vũ Đế (Trung Quốc) sai mang cây vải từ Giao Chỉ về trồng ở kinh đô Trường An. Tuy nhiên, chẳng cây nào sống sót, từ đó Hán Vũ Đế lệnh hàng năm phải cống nạp vải.
Ngoài ra, Cổ kim sử loại văn tùng còn cho biết đến thời Tam quốc, vua Ngụy Văn Đế (trị vì 220-226) hạ chiếu bắt Giao Chỉ và Cửu Chân hàng năm phải cống nạp quả lệ chi (quả vải) và long nhãn (quả nhãn).
"Phi tử tiếu"
Chưa dừng ở đó, đến thời nhà Đường (thế kỷ VII đến đầu thế kỷ X, cách nay hơn 1200 năm), sách "Cựu Đường Thư" có nhắc đến lệ cống vải của dân ta (khi ấy là An Nam đô hộ phủ). Chuyện cống nạp gay gắt hơn khi vua Đường Huyền Tông (712-756) dùng quả vải (lệ chi) để mua nụ cười mỹ nhân. Ái thiếp Dương Quý Phi rất thích hương vị của quả vải. Vị quý phi họ Dương thích ăn vải đến nỗi ngày đó quả vải được gọi là phi tử tiếu, nghĩa là nụ cười của Dương Phi.
Muốn chiều lòng ái thiếp mà vua Đường thường xuyên bắt cống nạp vải. Để giữ được hương vị tươi ngon suốt cả chặng đường dài, dân phu Hoan Châu gánh vải đến địa giới An Nam đô hộ phủ, giao nộp với nhà Đường ở biên ải.
Dương Quý Phi là một trong "tứ đại mỹ nhân" của Trung Quốc, bên cạnh Tây Thi thời Chiến quốc, Vương Chiêu Quân cuối thời Tây Hán và Điêu Thuyền cuối thời Đông Hán.
Đỗ Mục - nhà thơ nổi tiếng thời Đường có lần đi qua cung điện của quý phi, cung Hoa Thanh đã sáng tác bài thơ "Quá Hoa Thanh cung":
"Trường An hồi vọng, tú thành đôi
Sơn đỉnh thiên môn thứ đệ khai
Nhất kỵ hồng trần, Phi Tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai."
Bản dịch của Tương Nhu rằng:
"Ngoảnh lại Trường An tựa gấm thêu,
Đầu non nghìn cửa mở liền nhau.
Bụi hồng ngựa ruổi, Phi cười nụ,
Vải tiến mang về, ai biết đâu!"
Tiếp đó, quả vải được ướp mật hoặc muối, hỏa tốc vận chuyện bằng ngựa trạm về Trường An để đảm bảo được sự tươi ngon.
Cây vải sau đó được trồng tại Trung Quốc nhiều năm, trong thư tịch cổ của nước này cũng nhiều tài liệu nghiên cứu về cây lệ chi, chẳng hạn Quảng trung lệ chi phả (Chuyên khảo về cây vải ở vùng Quảng Đông, Quảng Tây) của Trịnh Hùng vào đầu thế kỷ X đã thất truyền, Lệ chi phả (Chuyên khảo về cây vải) của Thái Tương (1012-1067) viết về các nòi vải ở Phúc Kiến, Lĩnh Nam lệ chi phả của Ngô Ứng Quỳ thời Thanh,...
Theo Từ điển Bách khoa thiếu niên nhi đồng Trung Quốc, tại đất nước này có hơn 70 nòi vải quý. Một vài nòi như vải Trần Tử ở Phúc Kiến to bằng quả trứng gà, màu tím; vải Trạng Nguyên Hồng ở Phúc Kiến (vốn là của trạng nguyên Từ Đạc thời Tống); vải Phi Tử Tiếu ở Phật Sơn ngon nổi tiếng bởi cùi trắng và dày, hạt trắng nhỏ như hạt đỗ, vị ngọt hơi chua,...
Quả vải thời xưa quý là vậy, chỉ có vua chúa mới được ăn. Sau này, cây vải được trồng nhiều, người dân từ già đến trẻ, ai cũng được nếm hương vị của loại sản vật nổi tiếng nước Nam.
Vải thiều nước ta nơi nào ngon nhất?
Trong cuốn Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (cuối thế kỷ XVIII), nói về quả vải như sau: "Nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất. Thứ trái lệ chi ở xã An Nhơn (tức là Yên Nhân), huyện Đường Hào là ngon, ngọt và thơm không thể nào tả được". (Bản dịch của Tạ Quang Phát, Nxb Văn hoá-Thông tin, HN, 1995, tập 3, trang 215). Cũng trong cuốn sách ấy, Lê Quý Đôn đã viết rằng khi đi sứ sang Trung Quốc, ông được ăn quả vải sấy khô và vải dầm muối.
Trong Đại Nam nhất thống chí, khi nói về thổ sản của Hải Dương đã chép rõ: "Vải: xã Hòa Nhuệ, huyện Tứ Kỳ và xã Tử Nham, huyện Đông Triều; vải ngon thì ở xã Yên Nhân huyện Đường Hào" (tập 3, trang 40). Huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Ở nước ta, nơi nổi tiếng với giống vải ngon phải kể đến vải thiều Thanh Hà, Hải Dương và vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Nòi vải này còn ngon hơn nhiều nòi vải ở Yên Nhân mà ngày nay vẫn còn. Giống vải ở Yên Nhân được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Vân Đài loại ngữ vẫn còn được trồng vì chúng chín sớm nên cũng dễ bán hơn.
Đến thế kỷ XX, thời vua Tự Đức (1847 - 1883), ngoài giống vải bản địa, vải thiều được du nhập vào nước ta. Cây vải tổ được cho là ở huyện Thanh Hà, Hải Dương, thuộc sở hữu của cụ Hoàng Văn Cơm. Cụ Cơm người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương đã mang hạt về trồng từ năm 1870. Mặc dù ươm ba hạt nhưng chỉ có một cây sống sót và ra quả, được nhân giống rộng khắp Hải Dương ngày nay. Năm 1992, cây vải nhà cụ Cơm được Trung ương Hội làm vườn Việt Nam công nhận là Cây vải tổ. Tính đến nay, cây vải tổ đã hơn 153 tuổi vẫn còn tươi tốt.
Vụ án oan đẫm máu tại vườn vải
Đến thế kỷ XV, cây vải (lệ chi) xuất hiện trong một vụ án oan đẫm máu đầy bi thảm. Vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 (Nhâm Tuất) cho đến ngày nay nhắc lại vẫn đầy xót xa.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư chép rõ rằng:
"Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng.
Các quan bí mật đưa về, ngày mồng 6 đến kinh sư, nửa đêm đem vào cung mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Ngày 12, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Diệt, Lê Bôi tôn hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Bấy giờ mới lên 2 tuổi. Lấy sang năm làm Thái Hòa năm thứ I.
Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến ba đời. Trước là Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tôn trông thấy thích lắm, cùng với Thị Lộ cợt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội ấy".
Vị đại công thần triều Lê là Nguyễn Trãi bị "tru di tam tộc" khiến cho hình ảnh cây vải cổ xưa khảm sâu vào những trang sử của dân tộc, từ huy hoàng đến bi thảm đều sắc nét.
Ngày nay, Khu di tích Lệ Chi Viên thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình là nơi thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn được người dân đến dâng hương, chiêm bái.
Họa tiết trên Cửu đỉnh
Bất cứ mùa nào trong năm, khi du khách đặt chân đến Huế, ghé thăm Đại Nội sẽ thấy được hệ thống cây cổ nơi này đa dạng và trù phú như thế nào. Đến Đại Nội, không chỉ có hai cây tếch cổ thụ (trồng từ thời Minh Mạng) nằm sân phía Tây điện Thái Hòa, hai cây ngô đồng cổ sau điện Thái Hòa, cây la hán tùng ở cung Diên Thọ, cây thông cổ ở Thế Miếu, 2 cây bàng cổ bên cổng Hiển Lâm Các,... mà du khách còn được ngắm những cây vải cổ đang vào mùa chín rộ trước sân điện chính cung Diên Thọ.
Những chùm vải ửng hồng lúc lỉu la đà trên tán cây xanh giữa cung điện trầm mặc là thứ quả kiêu kỳ được dâng lên cho vua chúa từ thời xưa. Chẳng thế mà, vua cho đúc Cửu đỉnh, có chạm khắc hình tượng cây vải vào Huyền đỉnh.
Trong Đại Nam thực lục chính biên chép lại, mùa đông, tháng 10, năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mạng xuống dụ chỉ sai đúc Cửu đỉnh. Có đoạn viết rằng:
"Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau.
Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo người xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc".
Mặc dù xuống dụ, quan quân bắt tay vào đúc đỉnh từ cuối năm 1835 đến tháng 6/1836 mới xong phần thô. Tiếp đó sửa chữa, chạm khắc các họa tiết trên thân Cửu đỉnh và phải đến tháng 3/1937 người ta mới hoàn thành xong 162 hình ảnh, tập hợp xong bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
Như vậy, hình ảnh cây vải đi cùng năm tháng, nằm trong 9 loại cây lấy quả được khắc trên đỉnh đồng, trở thành biểu tượng sản vật đặc trưng của đất Việt. Để mỗi khi mùa vải chín rộ đất Đại Nội, người ta lại xốn xang, nao nức về quả quý lệ chi tựa như hai câu thơ của Nguyễn Duy:
"Ai nhân ra giống vải thiều
Vòm xanh lấp ló bao nhiêu má hồng..."