Bệnh tiểu đường đang âm thầm phát triển nếu bạn có một trong 6 dấu hiệu này trên da: Đa phần hệt như viêm da khiến nhiều người chủ quan
Hầu như bệnh nhân tiểu đường đều phát hiện bệnh muộn do dấu hiệu ban đầu rất giống bệnh da liễu thông thường.
Bệnh tiểu đường hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa và mang nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, trên toàn cầu hiện có 42,5 triệu người mắc bệnh và con số này đang ngày một tăng mạnh. Tiểu đường hầu như ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả làn da. Vậy nên một khi da xuất hiện 1 trong 6 dấu hiệu sau, bạn cần phải đi khám sớm kẻo bệnh trở nặng.
1. Có nhiều mảng màu vàng, đỏ hoặc nâu trên da
Đây là dấu hiệu ban đầu của chứng hoại tử mỡ Lipoidica, có khoảng 70% bệnh nhân nữ mắc phải. Đến nay nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa rõ, nhưng có thể là do tình trạng viêm các mạch máu nhỏ khi mắc tiểu đường. Lúc này, da sẽ xuất hiện những mảng màu vàng, đỏ hoặc nâu và lở loét khó chịu.
Ngoài ra, phần da xung quanh các mảng màu này sẽ dần trở nên sáng bóng. Bạn có thể nhìn thấy rõ các mạch máu, cũng như ngứa và đau nhiều hơn. Vậy nên một khi dấu hiệu này xuất hiện, hãy đến viện kiểm tra lượng đường trong máu sớm để có phương pháp điều trị.
2. Các mảng da sẫm màu hơn, có cảm giác mềm mịn
Khi lượng đường trong máu tăng cao, da sẽ bắt đầu xuất hiện những mảng sẫm màu và mềm mịn. Chúng thường thấy ở cổ, nách, bẹn hoặc những khu vực có nhiều insulin. Tại Việt Nam, chứng bệnh này còn được gọi là gai đen – một trong những bệnh xuất hiện trong giai đoạn đầu của tiểu đường và béo phì.
Hiện y học vẫn chưa có cách điều trị cụ thể cho bệnh gai đen, tuy nhiên bạn vẫn cải thiện được tình trạng bệnh nếu biết thay đổi chế độ ăn uống. Hãy giảm cân nếu đang thừa cân, cắt giảm tinh bột và đường nếu insulin trong máu đang tăng cao. Nếu muốn dùng các loại thuốc hỗ trợ thêm thì nên đến gặp bác sĩ xin thêm ý kiến.
3. Nổi mụn nước trên da
Tuy không phổ biến lắm nhưng mụn nước cũng là dấu hiệu ban đầu "tố cáo" tiểu đường. Bề ngoài chúng là những bóng nước căng khoảng 0,5 – 3cm và không có quầng viêm xung quanh. Chúng thường xuất hiện ở ngón tay, bàn tay, cẳng tay, ngón chân, bàn chân, cẳng chân… đặc biệt rất hiếm khi có ở thân mình.
Mọi người hay nhầm mụn nước này với các bệnh tương tự khác, dẫn đến việc đi khám muộn lúc bệnh đã phát triển nặng. Lấy ví dụ, mụn nước do tiểu đường sẽ không gây ngứa và đau như bị phỏng.
4. Vết thương trên da lâu lành
Thông thường các vết thương, vết đứt hay loét tay chân… sẽ lành trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu thấy chúng lâu lành và có dấu hiệu nhiễm trùng nặng thì ắt cơ thể bạn đang mắc bệnh tiểu đường. Lúc này, lượng đường tăng cao không những gây nhiễm trùng vết thương lại còn cản trở tuần hoàn máu. Đây là lý do khiến vết thương lâu lành.
5. Khô miệng, ngứa da
Bệnh nhân tiểu đường hay có dấu hiệu khô miệng và ngứa da là do thường xuyên khát nước hoặc đi tiểu nhiều. Bên cạnh đó, khi lượng đường dư thừa được bài tiết vào nước tiểu thì nó sẽ lấy theo chất lỏng từ các mô khác trên cơ thể, bao gồm cả da. Điều này dẫn đến tình trạng da khô và ngứa hệt như chứng khô da thông thường vậy.
Khi muốn biết bản thân đang mắc khô da hay tiểu đường, bạn chỉ cần làm những việc cung cấp độ ẩm cho da, chẳng hạn như dùng kem dưỡng ẩm hay uống nhiều nước hơn… Nếu làm mọi cách mà da vẫn không bớt khô chút nào thì ắt hẳn, bạn phải đặt lịch hẹn với bác sĩ ngay lập tức.
6. Có các mảng vàng ở mắt
Nếu bạn thấy mình có các mảng hoặc đốm màu vàng ở xung quanh mí mắt, có thể bạn đã bị chứng ban vàng quanh mắt (Xanthelasma). Các đốm màu vàng xuất hiện quanh mắt là do cholesterol lắng đọng dưới da. Tuy không gây hại nhưng về bản chất, chúng là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường đang dần trở nặng thấy rõ.
Phòng ngừa bệnh tiểu đường ngay từ sớm để sống thọ hơn
Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, cho nên bạn hãy lưu tâm hơn về những thay đổi của cơ thể. Ngoài việc phát hiện sớm 6 bất thường trên da để đi khám sớm, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để ngừa tiểu đường từ lúc trẻ, cụ thể như sau:
- Ăn sáng đầy đủ, không bỏ bữa.
- Ăn nhiều rau xanh, hạn chế ăn đồ dầu mỡ và chiên rán.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Hạn chế đồ ngọt, nước có gas và chăm uống đủ nước lọc.
- Không dùng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
- Khi lượng đường trong máu cao, bạn cần hạn chế ăn tinh bột (cơm, bánh mì…) và thay bằng việc ăn gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt để ổn định đường huyết.
Theo Indiatimes, Healthline