Bệnh tay chân miệng: Căn bệnh lây mạnh, dấu hiệu dễ bỏ qua, biến chứng cao

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Để bảo vệ trẻ khỏi biến chứng của bệnh tay chân miệng, mỗi phụ huynh nên nâng cao cảnh giác phòng bệnh. Đồng thời, cần có đầy đủ kiến thức để phát hiện và xử trí kịp thời khi con mắc bệnh.

Theo thông tin của Bộ Y tế vào ngày 21/5, tính từ đầu năm 2022 nước ta đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Bộ Y tế nêu rõ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Do đó, cần phải chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.

Để bảo vệ trẻ khỏi biến chứng của bệnh tay chân miệng, mỗi phụ huynh nên nâng cao cảnh giác phòng bệnh. Đồng thời, cần có đầy đủ kiến thức để phát hiện và xử trí kịp thời khi con mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh lây do một nhóm virus đường ruột gây nên, có thể phát triển thành dịch.

Dịch tay chân miệng ở trẻ thường xuất hiện vào mùa hè và cuối năm, rất dễ lây lan trong môi trường đông người, có thể gây biến chứng co giật, suy hô hấp, phù phổi và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Bệnh tay chân miệng lây truyền đường nào?

Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu lây qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi.

Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.

Dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng

Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các dấu hiệu dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Do đó phụ huynh cần chú ý quan sát tình trạng sức khỏe của con.

Bệnh tay chân miệng: Căn bệnh lây mạnh, dấu hiệu dễ bỏ qua, biến chứng cao - Ảnh 1.

Các dấu hiệu khi trẻ bị tay chân miệng bao gồm:

- Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao không thể hạ.

- Phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày. Xuất hiện các đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Phát ban ở khu vực lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cơ quan sinh dục....

- Bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc...

- Khi bệnh chuyển sang thể nặng, trẻ có thể có các biểu hiện như quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc, quấy khóc). Sốt cao không hạ - trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Giật mình liên tục.

Khi xuất hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được xử lý kịp thời.

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?

Tay chân miệng khiến trẻ sốt cao khó hạ, ói nhiều, tiêu chảy, tăng đường huyết, khó thở, thở rít thanh quản. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng: Căn bệnh lây mạnh, dấu hiệu dễ bỏ qua, biến chứng cao - Ảnh 3.

Chăm sóc trẻ tay chân miệng thế nào?

Bố mẹ cần lưu ý rằng trong quá trình chăm sóc trẻ tay chân miệng cần khéo léo, kiên trì vì trẻ thường không muốn ăn và cơ thể mệt mỏi.

Lưu ý:

- Cho con ăn món con thích để con ăn được nhiều hơn.

- Cố gắng bổ sung vitamin C qua nước cam, chanh, kiwi.

- Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh còn bú thì mẹ chú ý vệ sinh núm vú. Tăng số lần bú trong ngày bởi mỗi ngày trẻ bú không được nhiều.

- Sau khi trẻ ăn, nên súc miệng trẻ thật sạch và nhịn hoàn toàn trong 3-4 giờ sau mới cho ăn uống trở lại.

- Rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ chơi, đeo khẩu trang, không cho trẻ ngậm mút ngón tay, không cho trẻ ngậm núm vú giả, cắt móng tay gọn gàng...

- Không cho trẻ sinh hoạt tập thể, không đi bơi, không đi nhà trẻ để tránh lây nhiễm bệnh cho các trẻ khác.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Tình trạng trẻ mắc bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng, do đó để phòng bệnh cho con, bố mẹ nên làm một số việc sau:

Bệnh tay chân miệng: Căn bệnh lây mạnh, dấu hiệu dễ bỏ qua, biến chứng cao - Ảnh 4.

- Cho con rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi ăn; sau khi đi vệ sinh cần thay tã cho trẻ;

- Đều đặn làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường;

- Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh;

- Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn;

- Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách;

- Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.

Chia sẻ