Bệnh sởi tại TP.HCM chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trẻ nhập viện la liệt, mẹ không chích ngừa lây cho con
Trong khi cả năm 2018 toàn TP.HCM có hơn 1.500 ca bệnh nhân sởi thì khoảng 1 tháng nay, mỗi tuần đều có 300-400 ca mắc bệnh. Nhiều trường hợp mẹ vì không chích ngừa đúng và đầy đủ đã lây bệnh cho con.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, dù đã tăng đột biến lượng bệnh nhân trong những ngày qua nhưng tình hình bệnh sởi của thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Mẹ quên chích ngừa lây bệnh cho con
Từ tháng 12/2018 đến nay, trung bình có đến 300-400 bệnh nhân mắc sởi nhập viện. Trong khi đó, con số bệnh nhân của cả năm 2018 là hơn 1.500 người. Bệnh nhân đa số là trẻ nhỏ tuy nhiên có nhiều trường hợp là phụ nữ, bà bầu.
Trẻ nhỏ nhập viện chiếm đa số.
Đáng chú ý, có trường hợp trong gia đình có nhiều thành viên mắc bệnh mà nguyên nhân là do mẹ lây bệnh cho con và ngược lại.
Chị Mỹ Phương (33 tuổi, quê Đồng Nai, mang thai 18 tuần) cho biết, con chị bị gãy tay phải điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng Đồng Nai. Trong thời gian này bé phát bệnh sởi, sốt và nổi ban.
Có trường hợp cả mẹ lẫn con đều bệnh.
Vì là người trực tiếp nuôi lại chưa tiêm phòng nên chị cũng bị lây bệnh, biến chứng sang viêm phổi nên được chuyển đến BV Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM). Sau 1 tuần điều trị hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.
Một trường hợp thai phụ mắc sởi.
Chị Hoàng Thị Chiến (quê Kiên Giang) và con nhỏ cũng nhập viện điều trị sởi. Thai phụ này cho biết vì công việc bận rộn nên quên tiêm ngừa. Lúc phát bệnh, chị được bác sĩ phòng khám tư nói là dị ứng thông thường nên không uống thuốc gì.
Mãi đến khi nổi ban nặng chị mới đi thẳng BV ở TP.HCM. Tuy nhiên lúc này, thai phụ đã lây bệnh cho con trai 20 tháng tuổi cũng chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM) cho biết, từ đầu mùa dịch đến nay đã có 1.125 lượt bệnh nhân bị sởi đến khám. Trong đó nội trú là 645 trường hợp.
Lượng bệnh nhân sởi gần đây tại TP.HCM lên đến 300-400 ca/tuần.
Số ca sởi ở trẻ em và người lớn tương đồng, 66% bệnh nhân đang sống ở TP.HCM, còn lại là các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
27% bệnh nhân nội trú có biến chứng viêm phổi, trong đó có 2 trường hợp thở máy, 1 ca biến chứng viêm não hậu sởi. Hiện chưa có trường hợp tử vong.
Đã có trường hợp nặng, biến chứng viêm não.
Còn tại BV Nhi Đồng 1, lãnh đạo nơi đây cho biết cũng đang có 30 ca điều trị sởi. Ở BV Nhi Đồng 2, khoa Nhiễm cũng đang tiếp nhận 60 trường hợp. Nhỏ nhất mới 3-4 tháng tuổi và có bệnh nhi mang bệnh lý như động kinh, tim mạch... đi kèm.
Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thông tin, sởi thường tăng trong những tuần cuối năm trước và đến tuần thứ 32-33 của năm sau.
Những quận có khu công nghiệp nhiều, dân nhập cư đông như quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức có số ca tuyệt đối tăng nhiều.
Bệnh nhân tập trung ở địa bàn nhiều dân nhập cư và khu công nghiệp.
Bệnh thường tập trung ở trẻ dưới 10 tuổi, nhưng hiện nay độ tuổi từ 26-34 đang có dấu hiệu tăng nhanh. Cụ thể, trẻ dưới 48 tháng tuổi mắc bệnh là 9%, dưới 5 tuổi là 60% còn độ tuổi trên 16 đang là gần 14%.
Với lứa dưới 24 tháng tuổi, bệnh tập trung ở trẻ 6-10 tháng tuổi.
Giải thích điều này, bác sĩ Nga cho rằng bản thân bà mẹ trong giai đoạn này kháng thể không đủ để truyền cho con. Do đó, việc truyền thông cho các bà mẹ hoặc phụ nữ tiêm chủng trước khi quyết định sinh đẻ cần được đẩy mạnh.
Không để bùng nổ ổ dịch tập trung
Phó Giáo sư Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, Tình hình sởi đang diễn biến phức tạp, nguyên nhân vẫn là do chưa tiêm phòng.
Ông Trần Đắc Phu theo dõi tình hình bệnh nhân.
Tại Việt Nam sau khi xảy ra dịch sởi vào năm 2014-2015, Bộ Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho 20 triệu trẻ em. Tuy nhiên sau 4-5 năm, bệnh đã quay lại theo chu kỳ.
Ông Phu khuyến cáo ngành y tế thành phố không thể chủ quan, không để lặp lại kịch bản dịch của năm 2014 khi bùng nổ ổ dịch lớn và có ổ dịch tập trung tại phía Bắc.
Đại diện Bộ Y tế cảnh báo trào lưu anti vaccine có thể gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch.
Để làm được điều này, phải tổ chức tốt tiêm chủng ở cộng đồng, phân luồng điều trị, không để bệnh nhân nằm chen chúc. Không để sởi lây lan trong viện cũng như không để bệnh nhân sởi bị lây bệnh khác.
"Quan điểm của Bộ Y tế là phải làm sao để trẻ chưa tiêm ngừa phải được tiêm. Nếu không làm tốt thì bệnh sẽ bùng lên.
Tiêm ngừa là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi.
Hiện nay vẫn còn trào lưu anti vaccine. Truyền thông cần đến phỏng vấn các bà mẹ vì sao lại không cho con đi tiêm.
Vấn đề tiêm chủng phải có thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, của chính quyền địa phương chứ không chỉ là trách nhiệm của y tế" - Phó Giáo sư Phu nói.