Hàng loạt thai phụ, trẻ nhỏ bị sởi rồng rắn nhập viện tại TP.HCM: Tăng gấp 50 lần, nhiều trường hợp không chích ngừa
Số lượng bệnh nhân bị sởi nhập viện tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM) những ngày đầu tháng 1/2019 đã tăng gấp 50 lần cùng kỳ, trong đó có cả những trường hợp là phụ nữ đang mang thai.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, những ngày gần đây BV đã tiếp nhận điều trị cho 65 trường hợp mắc bệnh sởi.
Bệnh nhân bệnh sởi tại Bệnh viện Nhiệt đới.
Lượng bệnh sởi tăng gấp 50 lần
Con số này thực sự đáng báo động bởi cùng kỳ năm 2018, toàn BV chỉ có vài ca mắc sởi. Đáng chú ý, có bệnh nhân còn đang mang thai.
Chị Hoàng Thị Chiến (24 tuổi, quê Kiên Giang) đang mang thai tuần thứ 10 thì phát hiện cơ thể nổi mẩn đỏ.
Nhiều trường hợp là phụ nữ.
Đi khám và được bác sĩ nói chỉ dị ứng, chị về nhà mà không uống thuốc gì. Tuy nhiên tình trạng nổi ban đỏ ngày một nặng hơn, thai phụ quyết định đến BV tuyến trên thăm khám thì phát hiện mình đã bị sởi.
Khoa Nội A, BV Bệnh Nhiệt đới đang có hơn 60 trường hợp bị sởi.
"Tôi có con trai đầu 20 tháng rồi nhưng vì lu bu công việc nên chưa chích ngừa sởi rồi quên luôn. Giờ thì cả tôi và con cùng nhập viện, chồng phải vào chăm" - chị nói.
Giường bệnh những ngày gần đây trong tình trạng quá tải.
Ở giường bên cạnh là bé Văn Mỹ Tuyết (ngụ quận 11, TP.HCM). Bà ngoại bé kể trước khi em vào đây, chị gái em đã ăn nằm BV cả tuần cũng vì chủ quan không chích ngừa mà mắc bệnh Sởi.
"Cháu ngoại tôi vào viện đã 5 ngày rồi, trước đó nó cứ nóng, sốt, sổ mũi. Nó chưa chích ngừa mà trong xóm không ai bị, chắc là lây từ chị rồi" - người bà chia sẻ.
Một thai phụ và con cùng mắc bệnh sởi.
Còn anh Lộc (26 tuổi, quê Sóc Trăng) đã lên TP.HCM trị bệnh sởi ngày thứ tư. Bệnh nhân cho biết đi làm về mệt và sốt, sau đó đau họng và bắt đầu nổi ban, triệu chứng rõ ràng của bệnh.
Bác sĩ Hoa cho biết, hiện BV Bệnh Nhiệt đới có 65 bệnh nhân đang điều trị sởi, trong đó có 38 ca trẻ em và 7 thai phụ. Lượng bệnh thởi điểm này gấp đôi tháng 12/2018 và gấp hơn 50 lần cùng kì năm 2018.
"Khoảng 2 tháng trở lại đây số ca bệnh sởi tăng lên đột ngột. Tháng 10 có khoảng 76 ca, tháng 11 có 120 ca, tháng 12 lên 269 ca. Đến những ngày đầu tháng 1 năm 2019 BV gần như quá tải giường bệnh điều trị, nhiều trường hợp gia đình có người mắc bệnh lây cho nhau. Ngoài ra, nhiều trẻ cũng không chích ngừa hoặc chích không đúng lịch" - BS thống kê.
Nhân viên y tế làm việc liên tục.
Theo bác sĩ Hoa, không phải tất cả bệnh nhân sởi đều cần nhập viện vì 3-4 ngày đầu có thể điều trị ngoại trú, điều trị tại các BV tuyến dưới hoặc theo dõi cách ly tại nhà.
Sởi lây qua đường hô hấp, nếu cách ly được trong khoảng 4-5 ngày sau phát ban thì chuyện lây lan không còn đáng lo ngại. Dù vậy nếu để lây lan ra cộng đồng tạo thành dịch thì rất đáng sợ.
Riêng về bệnh nhân mắc sởi là thai phụ, bác sĩ cho biết hiện tại có 7 ca còn trung bình là 3-5 trường hợp. Tuổi thai của các bà bầu dao động từ 8 đến 30 tuần.
38 trong tổng số bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới là trẻ em.
Sởi không gây dị tật nhiều cho em bé, tuy nhiên bệnh có thể khiến sinh non, thai lưu. Do đó, thai phụ mắc bệnh nên theo dõi dấu hiệu của thai để đến các cơ sở y tế can thiệp kịp thời.
Đồng thời, phụ nữ ở tuổi sinh đẻ nên chích ngừa mũi sởi - quai bị - rubella để có miễn dịch an toàn khi có thai.
"Bệnh nhân mắc sởi cần bổ sung vitamin A theo toa bác sĩ, khi ở nhà mang khẩu trang y tế để tránh lây lan cho người nhà. Còn người chăm sóc vệ sinh tay chân và cũng bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng.
Trong tuần đầu sau phát ban, bệnh nhân hạn chế đến nơi đông người, tránh lây lan tạo dịch ra ngoài. Chỉ khi có biến chứng thì mới nên nhập viện" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Báo động tình trạng không tiêm ngừa sởi
Theo các bác sĩ, vì sởi là siêu vi của đường hô hấp nên các triệu chứng ban đầu cũng là sốt, ho, sổ mũi. Tuy nhiên sởi có triệu chứng đặc trưng là viêm lông rất nhiều, cụ thể là ho khan, hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ, sưng...
Trẻ bị sởi có thể diễn tiến viêm phổi, suy hô hấp.
Khoảng 3-4 ngày thì sẽ xuất hiện những ban đặc trưng của sởi, thường ở mặt, sau tai, ngực, bụng rồi đến tay chân.
Với trẻ nhỏ có thể có biến chứng đáng ngại như viêm phổi, nặng hơn là diễn tiến suy hô hấp.
Dấu hiệu dễ thấy nhất của bệnh là nổi ban đỏ.
Điều đáng lo ngại là dù đã có vắc xin ngừa sởi nhưng chỉ có khoảng 90% dân số thực hiện tiêm phòng. Tuy nhiên có 20% quên chích hoặc chích không hiệu quả.
Nhiều cha mẹ quên chích ngừa cho con.
"Cũng giống các bệnh khác, vắc xin không ngừa sởi được hoàn toàn mà đáp ứng miễn dịch tầm 85-90%. Do đó sẽ có mũi nhắc thứ 2 lúc 18 tháng nhưng nhiều phụ huynh hay quên. Thậm chí có khoảng 10% bé đến 9 tháng tuổi cũng không được chích ngừa, cộng dồn lại mỗi năm có đến 20-25% em bé không có miễn dịch sởi.
Nhiều người lớn cũng rất coi thường và không tiêm ngừa sởi. Đó là nguyên nhân tại sao cứ 4-5 năm mình có chu kỳ chích ngừa sởi" - Bác sĩ cảnh báo hiện trạng tiêm ngừa bệnh hiện nay.
Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cũng gia tăng trẻ bệnh sởi.
Cũng lâm vào cảnh tăng đột biến lượng bệnh nhân mắc sởi là ở BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM).
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm của BV cho biết, hiện nơi đây đang điều trị cho 61 ca mắc sởi, trong đó có 5 ca đang phải thở oxy.
Phụ huynh cần cho con chích ngừa sởi đúng lịch.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ 3-4 tháng tuổi và nhiều trường hợp bị tim mạch, động kinh...