Bệnh gì khi bị “chuột rút” về đêm?

,
Chia sẻ

Nếu để ý một chút thì người bệnh rất dễ nhận ra các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu của bệnh này là phù hai chi dưới kèm cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm.

Theo một thống kê nghiên cứu do Trường ĐH Y Dược TPHCM chủ xướng, 77,6% bệnh nhân bệnh suy tĩnh mạch trước đó không hề biết gì về bệnh này.

Điều này nói lên thực trạng về bệnh lý tĩnh mạch ở nước ta, trong đó chủ yếu là bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng.



Cụ thể là 91,3% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% được điều trị không đúng phương pháp (chủ yếu là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như Aspirin, lợi tiểu hoặc các loại đông dược).
 
Nếu để ý một chút thì người bệnh rất dễ nhận ra các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu của bệnh này là phù hai chi dưới kèm cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm. Những triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối, khi đi ngủ.
 
Khi bệnh nặng hơn thì xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch dãn dần, nổi ngoằn ngoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô, lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng...
 
Người bệnh cũng nên biết phẫu thuật để điều trị bệnh suy tĩnh mạch hiện có hai phương pháp chính: Lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị dãn (gọi là phương pháp Stripping) bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch như chúng ta làm lòng gà và phương pháp Chivas (lấy các đoạn tĩnh mạch bị dãn của hệ thống xuyên).
 
Phương pháp Chivas là phương pháp điều trị khá triệt để và có tỉ lệ tái phát thấp nhất. Ngoài ra, người ta còn áp dụng phương pháp làm lạnh với nitơ lỏng âm 90oC để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch, tuy nhiên phương pháp này tỉ lệ tái phát khá cao (30% các trường hợp).
 
Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này như Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, các khoa phẫu thuật mạch máu tại một số bệnh viện lớn khác.

 
Nhân loại đã bước sang một thiên niên kỷ mới với bao nhiêu thành tựu khoa học về y học đã đạt được, trong đó phải kể đến những thành tựu lớn trong nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về mạch máu. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất với mọi người là phòng bệnh vẫn cứ hơn chữa bệnh.
 
Với suy dãn tĩnh mạch, chúng ta nên quan tâm đến các phương pháp phòng ngừa rất đơn giản, như: Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục; ăn chế độ giàu vitamin, nhiều chất xơ để tránh táo bón...

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam (Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TPHCM)

Theo NLĐ
Chia sẻ