Bé trai 4 tuổi ở Hà Nội bị hoại tử da vì đắp lá chữa bỏng nước sôi

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Bệnh viện đa khoa Hà Đông mới tiếp nhận bệnh nhân bé trai 4 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) bị bỏng nước sôi nhưng gia đình đã không đưa đi chữa trị kịp thời mà tự ý đắp lá chữa bỏng tại nhà.

Trong mấy ngày qua, chúng ta bắt gặp những trường hợp bỏng nước sôi thương tâm từ cách chữa trị sai lầm của bố mẹ. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ khi bị bỏng không cần đưa đến bệnh việc thay vào đó là tìm những cách chữa trị theo kinh nghiệm truyền miệng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc chữa bỏng kiểu này phản khoa học và có thể dẫn đến tử vong.

đắp lá chữa bỏng
Bệnh viện đa khoa Hà Đông mới tiếp nhận bệnh nhân bé trai 4 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) bị bỏng nước sôi. (Ảnh: MT)

Chữa bỏng tự ý đắp lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc phản khoa học 

Bệnh viện đa khoa Hà Đông mới tiếp nhận bệnh nhân bé trai 4 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) bị bỏng nước sôi nhưng gia đình đã không đưa đi chữa trị kịp thời mà tự ý đắp lá chữa bỏng tại nhà. Hậu quả là trẻ bị biến chứng viêm loét, hoại tử, nhập viện trong tình trạng hết sức nặng nề, thương tâm.

BSCKI. Đỗ Hữu Nghị (Khoa Cấp cứu, BVĐK Hà Đông) cho biết, đã tiếp nhận một trường hợp trẻ 4 tuổi bị bỏng sâu độ 4 rất nguy kịch. Theo lời kể của gia đình, cháu bé bị bỏng nước sôi trước đó 9 ngày. Do hoàn cảnh bố mẹ đi làm ăn xa trong miền Nam, cháu sống cùng ông bà nên thay vì đi viện điều trị, ông bà đã tự ý lấy lá đắp lên vết bỏng chữa cho cháu. Đến hôm qua 23/11, thấy cháu đi ngoài phân đen, da tái nhợt, sốt cao, gia đình mới cho đi viện cấp cứu.

BS. Đỗ Hữu Nghị cho biết, cháu bé bị bỏng phần nửa dưới lưng, mông phải, đùi, cẳng chân phải. Vùng da đắp lá đã có dấu hiệu biến chứng viêm, loét, hoại tử. Do bệnh nhân nhập viện muộn nên các bác sĩ cấp cứu chỉ tiến hành sơ cứu ban đầu, cho dùng hạ sốt, truyền dịch, bù nước điện giải; sau đó chuyển đến cơ sở chuyên khoa bỏng để điều trị. 

"Việc tự ý đắp lá chữa bỏng, sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bỏng là điều phản khoa học và rất nguy hiểm. Bởi lẽ, vết bỏng cần phải được làm sạch và vô trùng tối đa chỗ tổn thương bỏng nên việc đắp lá rất dễ gây nhiễm trùng. Ngoài nhiễm trùng tại chỗ còn có biến chứng sốc do đau, sốc do mất dịch, rối loạn nước điện giải, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong", BS Nghị nhấn mạnh.

Bỏng nước sôi để lại hậu quả nghiêm trọng

Theo BS Nguyễn Xuân Anh (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh), có rất nhiều trường hợp khi con bị bỏng nước sôi, bố mẹ vội vàng dùng vôi hay kem đánh răng bôi lên vết thương. Cách làm này có thể làm cảm giác đau rát dễ chịu hơn nhưng rất ít các mẹ biết trong vôi và kem đánh răng có chứa các hóa chất kiềm. Trong trường hợp bôi vôi, kem đánh răng vào vết bỏng, gặp môi trường thuận lợi dễ gây ra biến chứng khác khiến cho vết bỏng thêm nặng.

đắp lá chữa bỏng
Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mỡ trăn chữa lành vết bỏng. 


Một số trường hợp trẻ nhỏ khi bị bỏng được gia đình dùng mỡ trăn để điều trị để làm dịu mát vết bỏng. Mỡ trăn rất mát nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh mỡ trăn chữa lành vết bỏng. Hơn nữa, nếu bôi mỡ trăn bảo quản không tốt đã bị nhiễm vi khuẩn sẽ khiến cho vết bỏng dễ bị nhiễm trùng và để lại nhiều biến chứng.

Việc điều trị bỏng nước sôi cũng cần kịp thời, nếu điều trị không đúng cách ngay từ những giây phút đầu tiên... có thể dẫn vết thương nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu, trở thành thương tật vĩnh viễn cho các bé.

Điều quan trọng là trẻ bị bỏng cũng thường gặp các biến chứng như biến chứng nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm mủ khớp, hệ tạo máu, tỷ lệ trẻ bị sẹo sau bỏng cũng rất lớn (chiếm 18 - 27%) thường gây co kéo, biến dạng chân tay. Đối với bệnh nhân bỏng, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Thế nhưng đáng tiếc là nhận thức của người dân về sơ cứu bỏng vẫn rất hạn chế.

BS Nghị khuyến cáo, khi bị bỏng cần ngay lập tức làm mát tổn thương bỏng để giúp làm dịu cảm giác đau, tưới nước mát (không phải nước lạnh) lên vết bỏng 10-15 phút hoặc cho tới khi đỡ đau, hoặc ngâm vết bỏng trong nước mát, dùng gạc lạnh làm mát vết bỏng. Vết bỏng được làm mát sẽ đỡ phù nề do da được hạ nhiệt, giảm độ sâu của bỏng. Chú ý không chườm đá lạnh lên vết bỏng. 

Khi trẻ bị bỏng ở vùng có quần áo, khi sơ cứu không nên cởi bỏ quần áo khiến bị lột da vùng bỏng. Thay vào đó cần nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra, tách khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm… Sau đó tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.
Chia sẻ