Bé trai 3 tuổi tử vong vì dại nghi do chó mèo trong nhà cắn
Nhập viện điều trị theo phác đồ viêm não - màng não. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường như xuất tiết nhiều đờm dãi, dương vật cương cứng. Điều này khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng cháu nhiễm virus bệnh dại.
Bác sĩ đang tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhi. Ảnh minh hoạ
Bệnh nhi là bé NQV (3 tuổi, Hải Phòng). Theo lời gia đình, ngày 31/5 thấy bé V bỗng nhiên lên cơn sốt, gia đình đưa con đi khám tại phòng khám tư và sau đó là Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Khi nhập viện, tuy sốt cao nhưng bé V vẫn còn tỉnh táo.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 7-8 giờ đồng hồ điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của cháu diễn biến xấu đi rất nhanh: cháu xuất hiện 7-8 cơn giật mình sau đó tiến đến suy thở.
Cháu bé được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chẩn đoán mắc viêm não và cấp tốc chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch: sốt cao, có suy thở, li bì, hôn mê.
TS.BS Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu bé khi vào viện được điều trị theo phác đồ viêm não-màng não.
Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường như xuất tiết nhiều đờm dãi, dương vật cương cứng. Điều này khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng cháu nhiễm virus bệnh dại.
Khi hỏi thăm gia đình, các bác sĩ được biết trong nhà bé V có nuôi chó mèo và bé thường xuyên chơi đùa với chúng.
Cháu bé được tiến hành chọc dịch não tủy. Mẫu bệnh phẩm gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ làm xét nghiệm đặc hiệu tìm virus dại đã cho kết quả dương tính. Chẩn đoán nhiễm virus bệnh dại được xác nhận.
Chỉ một ngày sau khi nhập viện, bé V đã rơi vào tình trạng sốc, suy đa tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và lọc máu liên tục.
Sau 4 ngày, dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng tình trạng của bé V không cải thiện. Ngày 5/06, gia đình đã xin cho con về khi không còn hy vọng cứu chữa.
Các biện pháp chủ yếu phòng bệnh dại
Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc...
Những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, biện pháp duy nhất để giảm thiểu cái chết oan uổng là khi nghi bị nhiễm virus dại cần phải rửa thật kỹ vết thương, đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế điều trị dự phòng bằng vaccin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.
• Hạn chế nuôi chó. Chó nuôi phải xích, nhốt, rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ, chó dại và nghi dại.
• Nuôi chó phải tiêm vaccin phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y.