Bé gái vẽ nhà với ánh mắt vô hồn: Minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh in hằn lên tâm hồn trẻ thơ

Imacho,
Chia sẻ

Không ai hiểu đứa trẻ ấy đang vẽ gì nhưng qua ánh mắt trợn trừng vô hồn, người ta có thể lờ mờ đoán được nỗi đau trong tâm hồn non nớt của em.

Chiến tranh luôn đem lại đau thương và nhiều nỗi mất mát. Nhất là đối với trẻ con, đáng lẽ ở tuổi ăn tuổi chơi lại bị tiếng súng đạn và sự chết chóc in hằn lên tâm hồn non nớt và trong trẻo như tờ giấy trắng. Để rồi sau này, chiến tranh dù có qua đi, vết thương ngoài da có thể lành nhưng tổn thương bên trong tâm hồn thì không bao giờ.

Nếu chưa thể hình dung sự tàn khốc của chiến tranh đối với tâm hồn trẻ thơ thì mọi người có thể nhìn vào bức ảnh một bé gái ở trại tập trung tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, được nhiếp ảnh gia David Seymour ghi lại vào năm 1948. Không có nhiều thông tin về đứa trẻ, chỉ biết em tên Tereszka.

Bé gái vẽ nhà với ánh mắt vô hồn: Minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh in hằn lên tâm hồn trẻ thơ - Ảnh 1.

Khi được yêu cầu thực hiện bức vẽ "nhà", Tereszka toàn chỉ vẽ những nét nguệch ngoạc không rõ hình thù. Không ai biết chính xác đứa trẻ ấy vẽ gì, nhưng nhiều suy đoán cho rằng đó là dãy hàng rào dài vô tận và những cuộn dây thép tại trại tập trung của Đức Quốc xã, nơi cô bé từng sống.

Một điểm khác đáng chú ý hơn trong bức hình chính là đôi mắt của Tereszka. Khác với những đứa trẻ đồng trang lứa, ánh nhìn của em trợn trừng nhưng vô hồn, không cảm xúc. Ở độ tuổi đáng lẽ phải được hưởng bình yên trong vòng tay bố mẹ, em đã phải chứng kiến và trải qua quá nhiều nỗi kinh hoàng mà chiến tranh đem lại, hệt như người lính hằng ngày xông pha ra chiến trường, chỉ nghe thấy tiếng bom đạn và nhìn xác người vương vãi khắp nơi.

Bé gái vẽ nhà với ánh mắt vô hồn: Minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh in hằn lên tâm hồn trẻ thơ - Ảnh 2.

Trong thời gian xảy ra cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã tiến hành trong vòng 4 năm từ 1941 - 1945, hầu hết trẻ em đều được gửi đến những nơi ẩn náu như tu viện, gác mái, hầm, lâu đài hay thậm chí chỉ là túp lều tranh. Sau khi cuộc chiến đi qua, có đến 1,5 triệu trẻ em người Do Thái thiệt mạng. Trong số 216 nghìn thanh niên Do Thái bị trục xuất đến Auschwitz, chỉ có 6.700 người được chọn để lao động cưỡng bức, số còn lại bị giết chết trong phòng hơi ngạt. Sau này, quân đội Liên Xô chỉ tìm được 451 trẻ em trong số 9 nghìn tù nhân còn sống sót.

Những đứa trẻ may mắn thoát chết hầu hết cũng không thể sống một cuộc đời trọn vẹn bởi chúng không được bố mẹ đến đón, cứ thế chờ đợi trong vô vọng. Nhiều em vì quá nhỏ tuổi nên lớn lên đến tên mình là gì cũng không biết, chúng không biết bản thân từ đâu đến hay giao tiếp bằng ngôn ngữ gì. Thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sau khi chiến tranh kết thúc được nhận nuôi, có gia đình mới và trở lại trường học nhưng không ai dám nhắc với chúng về quá khứ đau thương.

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ