Bé gái 6 tuổi có đôi mắt lúc nào cũng như buồn ngủ: Ảnh 9 năm sau gây bất ngờ
6 tuổi, bé Phan Lan Phương (Lạng Sơn), có đôi mắt lúc nào cũng như buồn ngủ. Lan Phương sau đó được bác sĩ Phạm Ngọc Minh tìm ra nguyên nhân, sửa lại đôi mắt trở lại bình thường.
Đôi mắt lúc nào cũng như buồn ngủ
9 năm trước, mẹ của bé Phan Lan Phương (hiện 15 tuổi) đưa con gái tới gặp bác sĩ Phạm Ngọc Minh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình (nay là Khoa Phẫu thuật Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong tâm trạng lo lắng. Chị vì không hiểu vì sao mắt con lúc nào cũng như đang buồn ngủ.
Khi được bác sĩ hỏi, mẹ của Phương kể từ khi sinh ra, mi mắt của Phương đã hơi sụp. Chị cứ nghĩ "lớn lên sẽ hết". Thế nhưng, càng lớn, mi của Phương càng sụp xuống nhiều.
Điều khiến chị H phải suy nghĩ nhiều nhất là khi con tới trường, Lan Phương nhận ra đôi mắt khác biệt của mình so với các bạn. Đi học về, con vẫn thường hỏi mẹ: "Mẹ ơi sao nhiều khi các bạn cứ nhìn chằm chằm vào con? Sao mắt con lại không giống những bạn khác? Các bạn trêu con…". Đôi mắt "lạ" khiến bé Lan Phương tự ti, không dám chới với các bạn vì "sợ" trêu đùa.
Thương con, chị H quyết định đưa con lên Hà Nội điều trị. May mắn thay, cùng thời điểm này, tại Hội thảo Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế Thủ đô lần thứ 26, nhóm phẫu thuật viên Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, do bác sĩ Phạm Ngọc Minh làm trưởng nhóm đã đoạt giải Nhất và được Bộ Y tế tặng Bằng khen với phương pháp treo mi bằng vạt cơ trán. Biết được có phương pháp mới để điều trị cho con, chị H đã rất mừng, quyết định cho con phẫu thuật.
Bác sĩ Phạm Ngọc Minh là người trực tiếp thăm khám và phẫu thuật Lan Phương. Đúng như kỳ vọng, cuộc phẫu thuật diễn ra thành công trong niềm hân hoan của gia đình và cả ekip thực hiện.
Sau phẫu thuật, đôi mắt của Lan Phương đã ổn định, 2 mắt mở to đều. "Nhìn kết quả như thế này, tôi thấy rất yên tâm, hy vọng là kết quả này sẽ duy trì vĩnh viễn để con được vui vẻ đến trường, không tự ti nữa", mẹ của Phương nói.
Hạnh phúc vì có đôi mắt bình thường
Sau 9 năm, giờ đây Lan Phương đã sắp bước vào lớp 10 với gương mặt xinh xắn, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt lanh lợi và không hề có dấu hiệu sụp mi trở lại. Cô bé vui vẻ hạnh phúc với đôi mắt đẹp - một kết quả mỹ mãn cách đây 9 năm được bác sĩ Minh và ekip tâm huyết làm thành công.
Cũng giống như Lan Phương, trường hợp của nam sinh Nguyễn Tuấn Khang khi đến khám BS Minh lúc gần 5 tuổi, mắc chứng sụp mi bẩm sinh cả hai mắt. Mi trên sa xuống che khuất phần lớn đồng tử hai bên, gây ảnh hưởng đến thị lực. Mắt khi nhìn phải nhướn mày nhiều và ngửa mặt lên mới nhìn được.
Bác sĩ đã chỉ định cho bé Tuấn Khang làm phẫu thuật treo cơ nâng mi bằng vạt cơ trán. Và tính đến nay là gần 10 năm, mi mắt của Tuấn Khang vẫn rất ổn định, không hề có dấu hiệu tái phát trở lại.
Nhận biết sụp mi cần can thiệp
TS.BS Phạm Ngọc Minh cho biết, sụp mi (blepharoptosis, ptosis, drooping eye) là sự sa của mi trên xuống thấp hơn vị trí bình thường ở tư thế nhìn thẳng. Mi có thể bị sụp với các mức độ khác nhau, một bên hoặc cả hai bên với độ sụp cân xứng hoặc không cân xứng.
Đối với các trường hợp bị sụp mi bẩm sinh ở mức độ nặng, ngoài việc gây khó khăn cho sinh hoạt còn gây ra tâm lý tự ti cho trẻ khi tiếp xúc bạn bè, cản trở quá trình hòa nhập cộng đồng.
Để nhận ra dấu hiệu sụp mi của bệnh lý, cần lưu ý những điểm sau:
- Viền của mi trên sa xuống che khuất đồng tử của con ngươi.
- Lông mi hướng xuống dưới.
- Mất nếp gấp mi trên.
- Rướn lông mày.
- Nghếch cổ khi nhìn.
- Giảm thị lực.
Với sụp mi mức độ vừa và nặng kèm theo chức năng cơ nâng mi yếu thì phẫu thuật treo mi sử dụng cơ trán làm cơ động lực là phương án duy nhất. Có 2 phương pháp treo mi vào cơ trán:
- Thứ nhất: Treo mi gián tiếp vào cơ trán bằng chỉ silicon, prolene, cân đùi… là phương pháp kinh điển với ưu điểm là nhanh, ít sang chấn tuy nhiên tỷ lệ tái phát khá cao (20-30%).
- Thứ hai: Treo mi trực tiếp bằng vạt cơ trán, đây là phương pháp xoay vạt cơ trán trực tiếp để treo mi thay cho cơ nâng mi đã mất hoặc chức năng kém. Phương pháp này khắc phục được tình trạng tái phát nhưng đòi hỏi tay nghề và kinh nghiệm của phẫu thuật viên hơn.
TS.BS Phạm Ngọc Minh khuyến cáo khi trẻ có bất cứ dấu hiệu bất thường tại vùng mi mắt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để can thiệp sớm. Độ tuổi phẫu thuật sụp mi bẩm sinh thích hợp nhất là trước khi trẻ bước vào lớp 1. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào là phù hợp cho trẻ thì cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ để có phương án và kết quả tốt nhất.
Cải tiến kỹ thuật điều trị sụp mi bẩm sinh lên tầm cao mới
Bác sĩ Minh cho biết trong suốt 10 năm kể từ khi phương pháp treo vạt cơ trán ra đời, cùng với quá trình theo dõi xa hàng trăm ca phẫu thuật sụp mi bẩm sinh bằng phương pháp này, bác sĩ nhận thấy không có ca nào bị tái phát và sụp mi trở lại.
Kỹ thuật "Chuyển vạt cơ trán phức hợp điều trị sụp mi mức độ nặng bằng một đường mổ" mang lại hiệu quả vượt trội trong điều trị: Khắc phục hoàn toàn sụp mi bẩm sinh, không tái phát, hạn chế sẹo tối đa, không lộ dấu vết thẩm mỹ sau phẫu thuật. Phương pháp cải tiến này đã nâng cao tính thẩm mỹ và rút ngắn 1/2 thời gian phẫu thuật cho bệnh nhân.
Với sự cải tiến này nhóm phẫu thuật viên trẻ do TS. BS Phạm Ngọc Minh hướng dẫn đã nhận bằng khen do Bộ Y Tế trao tặng (năm 2023).