Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ sau gần 1 năm mắc thủy đậu, hãy cẩn thận biến chứng nguy hiểm của bệnh này

Tuấn Khang,
Chia sẻ

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, trẻ em sau khi mắc thủy đậu có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần trong vòng 6 tháng. Bé trai 4 tuổi trong bài viết dưới đây chính là lời nhắc nhở chúng ta.

Thủy đậu, một căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, thường được biết đến với những nốt phát ban ngứa ngáy và tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, biến chứng của nó có thể xảy ra một cách âm thầm và để lại hậu quả nặng nề. Freddie Rushton, một cậu bé 4 tuổi tại Anh, đã phải trải qua cú sốc đột quỵ sau gần 1 năm khỏi bệnh thủy đậu.

Buổi sáng ngày 9/5, Sarah (mẹ của Freddie), nhận ra con trai đi đứng loạng choạng. Ban đầu, chị nghĩ rằng cậu bé bị nhiễm trùng tai, thế nhưng sự thật phũ phàng hơn rất nhiều. Freddie đã mất khả năng kiểm soát nửa người bên trái, lưỡi có dấu hiệu sưng lên và rơi vào trạng thái lơ mơ. Gia đình nhanh chóng đưa Freddie đến Bệnh viện Royal Stoke (nước Anh) trong tình trạng nguy kịch.

Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ sau gần 1 năm mắc thủy đậu, hãy cẩn thận biến chứng nguy hiểm của bệnh này- Ảnh 1.

Freddie Rushton, bị đột quỵ vào tháng 5 năm ngoái. (Ảnh: BPM)

Tại đây, các bác sĩ ban đầu nghi ngờ Freddie bị viêm màng não. Sau khi tiến hành các xét nghiệm MRI và chụp CT, kết quả cuối cùng cho thấy cậu bé đã bị đột quỵ. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ này lại chính là virus gây bệnh thủy đậu mà Freddie mắc phải từ 11 tháng trước. Xét nghiệm dịch não tủy của Freddie cho thấy dấu vết của virus này. Điều đó chứng tỏ virus đã xâm nhập vào não, gây co thắt mạch máu và dẫn đến đột quỵ.

Tưởng bị liệt chân, bé 4 tuổi đã phục hồi kỳ diệu sau đột quỵ do biến chứng bệnh thủy đậu

Freddie đã trải qua 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đại học Royal Stoke, nơi em nhận được sự chăm sóc tận tình từ đội ngũ y bác sĩ, tình yêu thương vô bờ bến từ gia đình. Trong thời gian này, Millie, em gái 2 tuổi của Freddie, đã đến thăm em mỗi ngày, tiếp thêm động lực cho cậu bé kiên cường chiến đấu với bệnh tật.

Mặc dù các bác sĩ lo ngại Freddie có thể không đi lại được nữa, với tỷ lệ hồi phục chỉ là 50/50, nhưng cậu bé đã chứng minh điều ngược lại. Freddie bắt đầu có thể cử động chân trái khi đang tắm, dần lấy lại khả năng vận động nhờ quá trình vật lý trị liệu kiên trì. Sarah, mẹ của Freddie, chia sẻ: "Con vẫn còn yếu ở bên trái, ví dụ như việc cầm nắm. Đôi khi con vẫn vấp ngã, nhưng tôi hy vọng theo thời gian sẽ hồi phục hoàn toàn".

Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ sau gần 1 năm mắc thủy đậu, hãy cẩn thận biến chứng nguy hiểm của bệnh này- Ảnh 2.

Đột quỵ là một biến chứng hiếm gặp do thủy đậu mà cậu bé mắc phải 11 tháng trước. (Ảnh: BPM)

Dù đã có những bước tiến đáng kể trong việc đi lại, Freddie vẫn phải đối mặt với một số di chứng sau đột quỵ. Cậu bé gặp khó khăn trong việc phát âm, điều chỉnh cảm xúc và chưa thể tự đi vệ sinh. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Freddie vẫn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời và thích thú với những trò chơi ngoài trời.

Đột quỵ ở trẻ em có những triệu chứng cảnh báo nào?

Câu chuyện của Freddie là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh về những biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn của thủy đậu. Theo Hiệp hội Đột quỵ, trẻ em sau khi mắc thủy đậu có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần trong vòng 6 tháng. Mặc dù nguy cơ thực tế rất nhỏ, đột quỵ ở trẻ em vẫn hiếm gặp, Freddie là trường hợp đặc biệt khi đột quỵ xảy ra gần một năm sau khi cậu bé khỏi bệnh.

Để giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về căn bệnh này, gia đình Freddie đã hợp tác với Hiệp hội Đột quỵ nhằm nâng cao nhận thức về đột quỵ ở trẻ em.

Bé trai 4 tuổi bị đột quỵ sau gần 1 năm mắc thủy đậu, hãy cẩn thận biến chứng nguy hiểm của bệnh này- Ảnh 3.

Freddie đã vượt qua đột quỵ do biến chứng thủy đậu rất thần kỳ. (Ảnh: Getty)

"Hầu hết mọi người không nhận ra trẻ em, thanh thiếu niên và những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 đều có thể bị đột quỵ. Điều đó thật gây sốc và chúng tôi đang cố gắng nâng cao nhận thức để các trường học có thể chú ý đến nó. Trẻ em có thể bị đột quỵ, em bé cũng có thể bị đột quỵ", mẹ Freddie chia sẻ.

Triệu chứng đột quỵ ở trẻ em có thể khác với người lớn:

- Trẻ có thể bị đau đầu dữ dội đột ngột, co giật, chóng mặt, lú lẫn, khó đi lại hoặc giữ thăng bằng.

- Trẻ bị buồn nôn hoặc nôn, buồn ngủ hoặc mất ý thức, mờ mắt đột ngột hoặc mất thị lực ở cả 2 mắt.

- Trẻ bị yếu hoặc tê một bên cơ thể, thay đổi cảm giác như kiến bò ở tay hoặc chân.

Việc trang bị kiến thức về đột quỵ, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời là vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe và tương lai của trẻ.

(Nguồn: The Sun)

Chia sẻ