Bé gái 12 tuổi phải chạy thận suốt đời: BS cảnh báo nguy cơ đến từ việc ăn 1 món 200 lần/năm
Đây là món ăn vạn người mê nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Trường hợp của bé gái 12 tuổi ở Đài Loan (Trung Quốc) bị suy thận dưới đây là 1 lời cảnh báo.
Bé gái 12 tuổi phải chạy thận suốt đời
Mới đây, chia sẻ trong chương trình Sức khỏe 2.0, bác sĩ chuyên khoa thận Hồng Vĩnh Tường, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, ông đã từng điều trị cho một bệnh nhi bị suy thận khi chỉ mới 12 tuổi.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết, bé gái được cha mẹ đưa đến viện khám trong tình trạng mệt mỏi, nôn mửa và sốt. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị urê huyết, suy thận mạn tính và phải chạy thận suốt đời.
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, cô bé 12 tuổi có chế độ ăn uống kém lành mạnh, thường xuyên ăn các món nhiều dầu mỡ và muối.
“Cô bé thường xuyên sử dụng tiền tiêu vặt bố mẹ cho để đi ăn gà rán sau giờ học. Thói quen này của cô bé đã bắt đầu từ khi học lớp 2. Mỗi tuần, cô bé ăn gà rán 4-5 lần. Với tần suất nói trên, ước tính cô bé ăn gà rán hơn 200 lần/năm”, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường chia sẻ.
Bác sĩ giải thích thêm: “Khi khai thác tiền sử bệnh, gia đình bé gái cho biết bé từng được chẩn đoán bị viêm cầu thận mạn tính và một số vấn đề khác ở thận. Các vấn đề về thận cộng thêm việc tiêu thụ thực phẩm kém lành mạnh trong thời gian dài đã vô tình tăng gánh nặng lên thận, cuối cùng dẫn đến tình trạng suy thận ở bé gái”.
Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, gà rán phủ bột và chiên giòn thường được tẩm ướp nhiều muối, chiên ngập dầu nên chứa rất nhiều calo và chất béo xấu. Do đó, việc ăn gà rán hoặc các món ăn chiên rán ngập dầu thường xuyên không chỉ làm gây thừa cân, béo phì mà còn tăng gánh nặng cho gan, thận và tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, tăng đường huyết, mỡ máu,...
Các rối loạn chuyển hóa này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường. Bệnh tim mạch, tiểu đường không được điều trị kịp thời cũng có thể dẫn đến các biến chứng ở thận.
Đặc biệt, trong quá trình chiên rán, nếu dầu nấu ăn không được thay mới và được sử dụng để chiên đi chiên lại nhiều lần, quá trình này có thể sản sinh ra hydrocacbon thơm đa vòng (PAH). Đây là loại hóa chất độc hại, có khả năng gây ung thư và tổn hại sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều.
3 lưu ý trong chế độ ăn giúp phòng ngừa bệnh thận
1. Hạn chế ăn quá nhiều muối
Hạn chế lượng muối nạp vào giúp kiểm soát huyết áp và phòng ngừa bệnh thận hiệu quả. Natri (muối) có nhiều trong thực phẩm đóng gói và thực phẩm chế biến sẵn như súp, bánh mì, xúc xích, thịt nguội... Do đó, mọi người nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, để kiểm soát lượng muối ăn hàng ngày, mọi người nên tự nấu ăn tại nhà, hạn chế mua đồ ăn ngoài, kiểm tra thành phần của các sản phẩm đóng gói để kiểm soát lượng muối có trong thực phẩm.
2. Nạp protein vừa phải
Nạp nhiều protein hơn mức cơ thể cần có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn vì khi ăn protein, cơ thể sẽ chuyển hoá protein và tạo ra chất thải, chúng được lọc qua thận. Người mắc bệnh thận mạn tính nên ăn ít protein hơn để giảm gánh nặng cho thận.
Hơn nữa, để phòng ngừa bệnh thận mạn tính, nên chọn nguồn protein lành mạnh từ thịt nạc, cá, thịt gia cầm không da, trứng, sữa, các loại đậu và hạt.
3. Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời cũng gây hại cho thận. Sức khỏe của tim và thận có mối liên hệ với nhau, vì tim liên tục bơm máu đi khắp cơ thể và thận liên tục lọc máu để loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
Do đó, để phòng ngừa bệnh thận và bệnh tim mạch, mọi người nên hạn chế nạp các thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Thay vào đó, hãy sử dụng các thực phẩm chứa chất béo không bão hòa như cá béo, quả bơ, quả óc chó, dầu ô liu và các loại dầu hạt khác.