Bánh Trung thu tràn ngập khắp các đường phố, chọn bánh ngon, an toàn cần ghi nhớ điều gì?
Không khí Tết Trung thu năm nay ít nhiều giảm nhiệt so với những năm trước. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không nhấn mạnh đến ảnh hưởng của bão Yagi đối với các tỉnh miền Bắc.
Càng cận kề Rằm tháng 8 âm lịch, những cửa hàng bán bánh Trung thu càng được bày bán nhiều. Những hãng bánh nổi tiếng nối tiếp nhau trên cùng một dãy phố, rất tiện cho khách hàng có thể dừng lại và xem xét, cân đo các mẫu bánh thuộc những hãng khác nhau.
Mặc dù vậy, không khí Tết Trung thu năm nay ít nhiều giảm nhiệt do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả ảnh hưởng của bão Yagi đối với các tỉnh miền Bắc, nhưng bánh Trung thu vẫn là mặt hàng được quan tâm.
Tết Trung thu cận kề, bánh Trung thu được bày bán nhiều. (Ảnh: TM)
Vậy, chọn bánh Trung thu vừa ngon vừa an toàn sức khỏe cần ghi nhớ những điều quan trọng gì?
1. Bánh Trung thu cần được công khai minh bạch bảng thành phần, tên thương hiệu
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), dù cho là mua loại bánh nào cũng cần được công khai bảng thành phần, tên thương hiệu… để người tiêu dùng tự kiểm chứng, quyết định mua. Bánh Trung thu cũng vậy.
Ví dụ các loại màu thực phẩm được sử dụng để sản xuất bánh Trung thu. Nếu bánh sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cho phép thì sẽ an toàn hơn cho sức khỏe. Nhưng nếu rủi ro, chúng ta sẽ ăn phải bánh sử dụng chất tạo màu không được phép sử dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm. Điều này vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng, dù chỉ ăn một ít.
Bánh Trung thu cần được công khai minh bạch bảng thành phần, tên thương hiệu. (Ảnh: TM)
2. Một số chất được thêm vào sản xuất bánh Trung thu có thể gây nguy hiểm sức khỏe
Một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe là: Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, xi rô, đồ uống, kẹo) có nguy cơ gây dị ứng, erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ) gây ung thư tuyến giáp, allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn) có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…
Nhiều năm trở lại đây, nhiều người chuộng mua bánh Trung thu giá rẻ vì phù hợp kinh tế, cho rằng quy trình làm bánh công nghiệp như nhau. Nhiều người lại chuộng bánh Trung thu handmade vì sợ bánh bán ngoài cửa hàng quá béo ngậy, gây tăng cân nhanh...
Tuy nhiên, nhược điểm của loại bánh này là không phải ai cũng nắm rõ được những quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như nguyên liệu sử dụng. Việc cho quá liều lượng của một chất nào đó trong làm bánh Trung thu cũng có thể gây tổn hại sức khỏe.
Do đó, tốt nhất chỉ mua những loại bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đừng để mắc bệnh chỉ sau một mùa Trung thu.
3. Bánh có ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng
Điều này giúp chúng ta xác định bánh Trung thu còn an toàn để ăn hay không. Nếu quá hạn, tốt nhất bạn không nên ăn bánh để đảm bảo an toàn.
4. Bánh được bày bán ở những địa điểm kinh doanh đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm
Bánh được bày bán có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
5. An toàn khi quan sát bằng mắt thường
Bánh Trung thu cần đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
Ăn bánh Trung thu đúng cách
Ngay cả khi lựa chọn được bánh Trung thu an toàn sức khỏe, người dân cũng đừng quên cần đảm bảo ăn đúng cách, tránh gây tăng cân, mắc bệnh:
- Không ăn bánh Trung thu lúc đói.
- Chia nhỏ chiếc bánh Trung thu để thưởng thức vào các thời điểm khác nhau trong ngày.
- Không ăn bánh Trung thu sau 7 giờ tối.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.