Bánh mì: Món ăn đường phố vượt biên giới

Ngọc Trân ,
Chia sẻ

Dù bánh mì là món ăn đường phố nhưng du khách thường yêu thích món ăn này bởi nó ngon. Nó cũng đã hóa thân thành một món Việt Nam, khá xa với xuất thân là món baguette Pháp vừa được Unesco vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại.

"Bánh mì nóng đây!...".

Tiếng rao buổi chiều của người bán bánh mì trong xóm cũ đã hơn 30 năm. Ông bán bánh mì không nhân, nóng, vừa ra lò và chạy xe đạp. Phía trước xe là chiếc cần xé đựng bánh mì; một tấm vải bố được phủ lên trên để giữ cho bánh nóng.

Bánh mì đã trở thành món ăn quen thuộc với người Việt Nam. Người ta không chỉ ăn bánh mì với thịt, trứng, xíu mại... mà còn chấm bánh mì nóng với sữa đặc. Thỉnh thoảng, vỏ bánh mì dư sẽ được tận dụng làm bánh mì hấp với thịt, mỡ hành,…

Bánh mì: Món ăn đường phố vượt biên giới - Ảnh 1.

Món bánh mì thịt nướng tại TP HCM Ảnh: THANH LONG

Món ăn đường phố

Rất dễ bắt gặp các xe bán bánh mì ở khắp nơi trên lãnh thổ hình chữ S. Đó là những chiếc xe đẩy, thường bằng nhôm. Phần phía trên xe được lắp kiếng trong suốt, dường như để thu hút ánh nhìn của thực khách.

Hầu như trên mỗi con đường trong thành phố này đều thấy xuất hiện ít nhất một xe bán bánh mì. Giá mỗi ổ bánh mì chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng nên phù hợp với túi tiền người dân. Cũng lại là món ăn tiện lợi nên thường được ưu tiên lựa chọn.

Nghèo giàu gì cũng ăn được. Nghèo quá thì ăn bánh mì không nhân, 2.000 đồng một ổ. Hay đơn giản chỉ là để tiết kiệm tiền, nhẹ bớt gánh nặng cho cha mẹ như những cô cậu sinh viên xa nhà.

Trên đường đi làm, người ta có thể ghé mua bánh mì đem đến cơ quan. Trong những cuộc họp dài liên tục, bánh mì có thể sẽ hiện diện giữa giờ. Bánh mì tiếp sức cho công nhân tăng ca buổi chiều tối. Bánh mì trên tay các chị lao công, các anh thợ xây dựng, các bạn văn phòng, các em bé đến trường,…

Khi bận rộn, khi cần một món ăn tiện lợi thì câu nói quen thuộc hay vang lên là: "Ăn bánh mì cho lẹ".

Một món ăn bình dị, dân dã từ một món dân dã khác mà người Pháp đem đến Việt Nam hồi xưa đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống và cả trong nếp nghĩ của người dân Việt.

Bánh mì ngon

Ổ bánh mì đặc trưng Việt Nam là bánh mì thịt. Nguyên liệu gồm thịt nguội ướp gia vị, chả lụa mềm dai, chà bông vàng nhạt, bơ vàng óng, pa tê béo cùng đồ chua, ngò, dưa leo và nước sốt.

Bánh mì ban đầu ở Việt Nam là một loại bánh mì dẹt giống như bánh mì baguette Pháp ăn kèm với thịt heo nướng, rau diếp và sốt mayonnaise. Ban đầu nó được người Pháp xâm chiếm Việt Nam chế biến như một phần trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ. Sau đó, nó đã trở nên phổ biến đối với người Việt Nam.

Sự kết hợp như thế đã làm cho bánh mì giống như "hạt thủy tinh". Chỉ cắn một miếng là đã òa ra bao nhiêu hương vị trên đầu lưỡi. Đó là vị mặn của thịt nguội, vị ngọt ngọt của chà bông, vị cay của ớt và cả vị chua như giấm trong cà rốt và củ cải trắng.

Bánh mì: Món ăn đường phố vượt biên giới - Ảnh 2.

Bánh mì thịt với mùi thơm của rau ngò, mùi cay của ớt, vị béo của bơ và pa tê - Ảnh: NGỌC TRÂN

Chưa hết, cảm nhận đầu tiên khi cắn vào ổ bánh mì thịt còn là vỏ bánh mì nóng giòn - nếu chỗ bán hâm nóng bánh trước khi "sản xuất". Sau đó, mặt trong bánh sẽ mềm hơn bởi thấm lớp bơ và pa tê. Mùi thơm của rau ngò và tiêu sẽ là điểm nhấn cuối cùng cho ổ bánh mì.

Khi đến Quảng Ngãi, bánh mì lại mang thêm cảm giác ngọt ngọt cay cay của một loại tương ớt nổi tiếng tỉnh này. Điều đó càng kích thích mạnh vào vị giác của lưỡi.

Ra Nha Trang thì nhân bánh mì lại phù hợp với vùng biển. Đó là bánh mì sẽ kết hợp với chả cá dai dai cùng nước mắm chua ngọt. Lúc này nó lại khoác thêm tên mới là bánh mì chả cá Nha Trang. Ngoài ra còn có bánh mì bì, bánh mì trứng chiên, bánh mì xíu mại,..

Đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain, qua đời năm 2018, từng đến Việt Nam, có thưởng thức món bánh mì. Ông nhận xét: "Đây là sandwich ngon nhất thế giới".

Nổi tiếng bánh mì

"Bánh mì" đã trở thành từ vựng nguyên bản trong từ điển Anh Oxford. Google cũng từng 9 năm liên tiếp lấy bánh mì làm Doodle ở 12 nước.

Bánh mì: Món ăn đường phố vượt biên giới - Ảnh 3.

Từ “bánh mì” được đưa vào từ điển của Mỹ - Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với độ phủ rộng rãi thì bất cứ du khách nào, khi ghé đến đất nước hình chữ S, cũng sẽ bắt gặp bánh mì.

Có những hình minh họa cho các bài báo quốc tế là khoảnh khắc các du khách xếp hàng đợi mua bánh mì Huỳnh Hoa, quận 1, TPHCM hay bánh mì Phượng trong lòng phố cổ Hội An. Các trang báo du lịch thế giới hầu như đều xếp hạng bánh mì vào top 10 món ngon khó cưỡng. Tạp chí lừng danh National Geographic, chẳng hạn, từng chọn bánh mì Việt Nam là một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Bánh mì Việt Nam không chỉ lên các trang báo quốc tế mà còn được "cấp hộ chiếu" ở một số quốc gia. Đó là bánh mì Phượng của Hội An đã mở chi nhánh ở Seoul, thủ đô Hàn Quốc.

Le Petit Saigon là nhà hàng món ăn Việt Nam, nằm ở địa chỉ 16 đường Wing Fung, khu Wan Chai, Hong Kong. Trên trang chia sẻ về ẩm thực Open Rice của Hong Kong, nhà hàng nhận được 4/5 sao và bánh mì luôn được du khách ca ngợi.

Đó là bánh mì Sandwich ở Tokyo, thủ đô Nhật được chấm 4,5/5 sao trên trang web du lịch Tripadvisor. Một số người Nhật nhận xét là bánh mì ở đây có hương vị ấn tượng, gần giống với món ăn cùng loại họ đã thưởng thức ở Việt Nam. Các loại bánh bán chạy nhất ở tiệm này là thịt heo nướng cay băm nhỏ, sốt và tương ớt, giăm bông, pa tê, dưa chua, rau mùi.

Đó là bánh mì Stable ở Berlin, Đức thuộc chuỗi sáu nhà hàng món Việt tại Đức. Nhà hàng chuyên phục vụ bánh mì thịt heo quay, pa tê, rau mùi và nước sốt. Trên trang web đánh giá Yelp, nhiều thực khách cho rằng đây là một trong những cửa hàng bánh mì ngon nhất thủ đô Berlin của Đức.

Đó là các chuỗi bánh mì của người Việt ở Mỹ như Lee's Sandwiches. Ngay cả ở Pháp, nơi xuất xứ bánh mì Việt, cũng có như tiệm Miss Banh Mi hoặc tiệm mang tên đơn giản... Banh Mi tại thủ đô Paris của nước này!

Là một trong những món ăn tôi yêu thích, những ngày sống bên Pháp, baguette là sự lựa chọn hằng ngày. Còn nhớ, trong khu phố luôn có hai tiệm bánh mì truyền thống; không bao giờ hai ông được nghỉ cùng một lúc!

Những ngày xa xưa đó, vẫn nhớ về bánh mì thịt với mùi thơm của rau ngò, mùi cay của ớt, vị béo của bơ và pa tê; không quên cái giòn rụm của ổ bánh mì nóng …

Đến khi nào thì bánh mì Việt Nam sẽ được Unesco vinh danh?

Chia sẻ