Bánh áp chao Cao Bằng - món ăn dân dã mà ngon khó cưỡng của vùng Đông Bắc

À CheLo,
Chia sẻ

Mặc dù bánh áp chao "phủ sóng" ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc nhưng đậm đà bản sắc và trọn vẹn hương vị thơm ngon nhất phải kể đến Cao Bằng.

Bên cạnh loạt đặc sản nổi tiếng như bánh cuốn, vịt quay 7 vị, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh trứng kiến, miến dong đen Phia Đén..., Cao Bằng còn sở hữu một món ăn vô cùng dân dã.

Tuy được bày bán ở vỉa hè nhưng bánh áp chao đủ sức làm mê hoặc biết bao thế hệ người dân nơi đây cũng như thực khách gần xa từng đặt chân đến Cao Bằng.

Nếu bạn có dự định "săn tuyết" trên đỉnh núi Phia Oắc hoặc tận hưởng cái rét vùng cao vào mùa đông, thì chắc chắn bánh áp chao là một lựa chọn không thể bỏ qua, món ăn chẳng nỡ chối từ trong hành trình khám phá ẩm thực vùng Đông Bắc.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 1.

Người Cao Bằng tự hào có món bánh áp chao "dư sức" níu chân du khách

Nguyên liệu làm bánh không cầu kì

Bánh áp chao còn được dân "ghiền" ăn vặt đặt cho tên gọi là "bánh rán mặn phiên bản Cao Bằng" chính bởi sự khác biệt của phần nhân bánh. Thay vì dùng thịt băm, mộc nhĩ và miến như bánh rán mặn thông thường của người miền xuôi thì thịt vịt ở Cao Bằng được chọn làm nhân cho món đặc sản nức tiếng này.

Đây cũng chính là yếu tố tạo nên hương vị độc đáo, không trộn lẫn với bất kỳ món ăn nào, thậm chí là món bánh rán nhân thịt truyền thống của các địa phương khác.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 2.

Bánh áp chao ăn kèm nước mắm chua ngọt, rau thơm và đu đủ bào sợi mỏng

Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong nghề thì nguyên liệu làm bánh áp chao ở Cao Bằng không quá cầu kì, chỉ gồm bột gạo nếp, bột gạo tẻ và nhân thịt.

Tuy nhiên, phải chọn loại gạo ngon, vừa mới thu hoạch, hạt tròn mẩy thì nghiền bột làm bánh mới thơm, nhất là gạo nếp gieo trồng ở Trùng Khánh, Bảo Lạc và gạo tẻ Đoàn kết ở Trà Lĩnh.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 3.

Nguyên liệu làm bánh áp chao không quá cầu kì

Ngoài ra, một nguyên liệu không kém phần quan trọng tạo nên hương vị thơm ngon của bánh áp chao chính là đỗ tương lòng vàng óng của vùng Quảng Uyên, hạt to vừa phải. Gạo và đỗ tương ngâm thật kĩ, khi thấy hạt nở mềm thì đem xay thành bột rồi trộn đều với nhau.

Thời gian ủ khoảng 3-4 tiếng để bột nở đều thì khi rán, bánh sẽ phồng lên trông rất đẹp mắt. Trước khi ủ bột, người khéo tay còn trộn thêm khoai môn nạo hoặc thái sợi để hỗn hợp bột thêm sánh mịn, đảm bảo độ mềm dẻo, thơm ngon.

 Khéo léo trong khâu chế biến 

Yếu tố tạo nên hương vị độc đáo của bánh áp chao Cao Bằng chính là phần nhân được làm từ thịt vịt. Để có nhân bánh ngon thì sau khi sơ chế sạch sẽ, lọc bỏ hết xương, thịt vịt được tẩm ướp đầy đủ gia vị rồi thái miếng nhỏ.

Từng miếng ức vịt thấm đẫm hương thơm của húng lìu, muối tiêu, hạt nêm, bột canh, mì chính... Không những thế, mỗi hàng bánh lại có bí quyết gia truyền và công thức riêng trong quá trình tẩm ướp nên thực khách sành ăn sẽ cảm nhận rõ vị bánh đậm đà, rất vừa miệng.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 4.

Để bột nở đều thì khi rán, bánh sẽ phồng lên trông rất đẹp mắt

Khi chế biến, một lượng bột vừa đủ sẽ được cho vào khuôn hoa để làm vỏ bánh, đặt miếng thịt lên trên rồi trải thêm lớp bột bọc kín nhân lại. Công đoạn này phải thực hiện nhanh tay để bột không tan chảy. Sau đó thả khuôn bánh vào chiên trong chảo ngập dầu.

Bánh sẽ được chao qua chao lại bởi đôi tay khéo léo của người đầu bếp tới khi hai mặt bánh vàng ruộm, vỏ bánh căng phồng nổi lên mặt dầu thì vớt ra. Gác bánh lên vỉ cho ráo rồi đem ra ăn nóng.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 5.

Thấy bánh nổi lên thì vớt ra, gác lên vỉ cho ráo dầu mỡ

Trước nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng, hiện nay nhiều quán ăn ở Cao Bằng đã làm thêm loại bánh áp chao nhân thịt lợn. Miếng thịt nạc cũng được xắt mỏng và tẩm ướp đầy đủ gia vị như thịt vịt, còn công đoạn chiên rán thì không khác gì món áp chao truyền thống.

Bánh áp chao - Món ăn dân dã, thưởng thức tinh tế

Để cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon của đặc sản Cao Bằng, thực khách thường ăn bánh áp chao kèm rau thơm và đu đủ bào sợi mỏng, chấm nước mắm chua ngọt.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 6.

Bánh áp chao dậy vị thơm bùi của bột nếp cùng nhân thịt vịt béo ngậy

Tuy nhiên, du khách cũng có thể trải nghiệm đặc sản này theo cách "dân nhậu" thường lai rai là gọi thêm đĩa lòng mề hoặc thịt vịt rán giòn, nhâm nhi cùng chút rượu ngô để làm ấm người trong những ngày giá rét.

Bánh áp chao dậy vị thơm bùi của bột nếp và khoai môn cùng nhân thịt vịt béo ngậy đậm đà. Bánh được cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, cắn vỏ bánh nghe giòn rụm, bên trong mềm mại tưởng chừng tan chảy ngay đầu lưỡi.

Bánh áp chao Cao Bằng - ẩm thực dân dã vùng Đông Bắc - Ảnh 7.

Du khách có thể trải nghiệm đặc sản Cao Bằng theo kiểu "dân nhậu" thường lai rai

Gắp thêm đũa đu đủ bào sợi chấm cùng nước mắm chua ngọt cay cay, đảm bảo thực khách dù khó tính đến mấy cũng không thể cưỡng lại vị ngon hấp dẫn của bánh áp chao Cao Bằng.

Đặc biệt, hương thơm ngào ngạt của bánh áp chao còn lan tỏa cả một vùng không gian. Lữ khách qua đường dừng chân ghé quán thưởng thức đĩa áp chao nóng hổi, vừa thỏa mãn cả khứu giác lẫn vị giác, lại vừa ấm lòng giữa tiết trời se lạnh vùng cao.

Nếu có dịp "đi trẩy nước non Cao Bằng", bạn đừng bỏ lỡ hương vị đặc trưng vô cùng quyến rũ của món bánh áp chao nhé!!!

Một số quán bánh áp chao nổi tiếng ở Cao Bằng:

Áp chao cô Ngân: 138 Phố Cũ, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng

Áp chao cô Hạc: 116 đường Hiến Giang, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng

Chia sẻ