Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Gãy xương đùi kèm theo một khối bướu ác tính khiến người phụ nữ đứng trước nguy cơ phải tháo khớp háng để sống sót. Tuy nhiên, các bác sĩ đã làm một điều tuyệt vời hơn.

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị H. (60 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Hơn một năm trước, bà đã bị đau vùng háng bên trái. Điều trị nội khoa ở nhiều nơi nhưng tình trạng đau không thuyên giảm mà ngày một tăng. Một ngày trước khi nhập viện, bà H. trượt chân té, khiến vùng háng đau đớn dữ dội.

Tại Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình TP.HCM sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện chân bên trái của bà H. bị biến dạng, ngắn chi, bàn chân xoay ra ngoài, mất cơ năng chân trái. Chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi trái. Bệnh nhân có một khối bướu sụn đầu trên xương đùi ác tính.

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 1.

Ảnh chụp MRI xương đùi của bà H.

Các bác sĩ tại khoa Bệnh học của BV cho biết, trước đây khi điều trị bướu ác tính đầu trên xương  đùi, tháo khớp háng hoặc tháo nửa chậu thường là biện pháp phải tiến hành cho bệnh nhân. Tuy nhiên những năm gần đây, với sự phát triển của đa hóa trị đã cho phép thực hiện các phẫu thuật bảo tồn chi. Đây là hi vọng để nâng cao chất lượng sống của các bệnh nhân ung thư xương.

"Điều quan trọng trước tiên trong phẫu thuật bảo tồn chi là hạn chế tối đa tỉ lệ tái phát bướu tại chỗ và di căn xa. Điều này chỉ có thể thực hiện khi đạt được 2 yếu tố: Phẫu thuật cắt bướu đủ rộng và hóa trị có hiệu quả (với bướu có độ ác tính cao) và chi được bảo tồn đạt được sự lành xương vững chắc với chức năng chấp nhận được" - Tiến sĩ Lê Văn Thọ, khoa Bệnh học phân tích.

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 2.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật giải cứu bệnh nhân.

Theo ekip điều trị, sacroma sụn đầu trên xương đùi của bệnh nhân H. được xếp vào loại bướu có độ ác tính thấp, bờ phẫu thuật cho phép cắt rộng bướu. Bệnh nhân được tái tạo khuyết hổng bằng ghép xương đồng loại khối lớn kết hợp thay khớp háng nhân tạo chuôi dài. 

Kết quả kiểm tra sau 3 tháng chưa thấy tái phát tại chỗ hoặc di căn xa. Vết mổ lành tốt, không đau và không có dấu hiệu nhiễm trùng, không thấy huyết khối tĩnh mạch sâu. Bà H. có thể đi lại mà không cần nạng. Hiện bệnh nhân vẫn tiếp tục tái khám hàng tháng để theo dõi tình trạng lành xương ghép.

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 3.

Sau phẫu thuật, bà H. có thể đi lại mà không cần nạng.

Các bác sĩ chia sẻ, điều trị bảo tồn chi các bướu ác và giáp biên ác của xương luôn là một thách thức với phẫu thuật viên bảo tồn và ung bướu học. Nhiều phương pháp có thể được sử dụng như ghép xương, thay khớp nhân tạo, kéo dài cal xương. 

Tuy nhiên với các bướu kích thước lớn và ở vị trí đặc biệt (như đầu trên xương đùi) thì việc tái tạo cấu trúc xương và phục hồi chức năng là vấn đề rất phức tạp và khó khăn. Nhất là khi khớp nhân tạo chuyên dùng cho bướu chưa có ở Việt Nam và nguồn xương ghép đồng loại khối lớn còn hạn chế. 

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 4.

Tái tạo khuyết hổng bằng ghép xương đồng loại khối lớn kết hợp thay khớp háng nhân tạo là một trong những phương pháp được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật thường niên của BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM năm 2018.

Thay khớp nhân tạo kết hợp ghép xương đồng loại tái tạo lại cấu trúc xương sau khi cắt bướu là lựa chọn được nhiều bác sĩ sử dụng và đạt được được nhiều kết quả. Ngoài ra, một phương pháp khác cũng thường được sử dụng là ghép khớp nhân tạo lớn đơn thuần.

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 5.

Một trường hợp bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi được điều trị tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.

Khớp nhân tạo lớn cho phép lắp đầy khuyết hổng tức thì, thời gian phẫu thuật nhanh chóng, nhờ đó hạn chế được một số biến chứng. Tuy nhiên, nhược điểm là nguy cơ trật khớp khá cao (tỉ lệ 10-17%). Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng tiêu xương.

Trong khi đó, ưu điểm chính của ghép xương đồng loại khối lớn kết hợp thay khớp nhân tạo (APC) là có thể khâu đính các gân - cơ dạng và gân - cơ thắt lưng chậu vào xương ghép ở vùng mấu chuyển, nhờ đó ngăn ngừa nguy cơ trật khớp và đạt kết quả chức năng tốt hơn. Ngoài ra,  APC cung cấp một neo sinh học cho việc đính lại các gân cơ, chịu được lực cơ học sau khi lành xương, giúp bệnh nhân có một dáng đi tốt hơn.

Bằng phương pháp này, bác sĩ Việt giúp người phụ nữ mang khối bướu ác tính ở xương đùi không phải tháo khớp - Ảnh 6.

Các bác sĩ cho rằng cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của phương pháp APC.

Tuy nhiên, nhiễm trùng, thải ghép, tiêu xương ghép và lỏng khớp nhân tạo là những biến chứng thường gặp của APC. Do đó, các bác sĩ cho biết sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian dài hơn trường hợp của bà H. để có thể đánh giá hiệu quả của phương pháp phẫu thuật này trong điều kiện ở TP.HCM hiện nay.

Chia sẻ