Bong gân – Làm sao để sơ cứu đúng cách, tránh ảnh hưởng chức năng xương khớp?
PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc khẳng định, việc xử trí sớm và đúng cách khi bị bong gân cũng như các chấn thương khác nói chung sẽ giúp nạn nhân hạn chế đau đớn ở mức thấp nhất.
Bong gân – Tai nạn thường gặp trong cuộc sống hiện đại
Bong gân được nhận định là tai nạn có thể thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện đại. Hàng ngày, bạn chơi thể thao, bị tai nạn giao thông, một vài tai nạn thường gặp trong cuộc sống như té ngã, trẹo khớp hoặc xô đẩy nhau, đánh nhau dẫn đến khớp trâtj ra khỏi vị trí bình thường.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Hà Nội) cho biết, bong gân là tình trạng tổn thương của bao khớp, phổ biến nhất là các dây chằng, thường xảy ra sau động tác va chạm quá mạnh nhưng không gây ra trật khớp hoặc gãy xương. Vị trí bong gân thường là cổ chân, đầu gối, cổ tay… Hiện nay, bong gân ở ngón tay cái rất phổ biến do chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá và tập tạ, tập gym… Không chỉ nam giới, nữ giới hiện nay cũng thường xuyên bị bong gân.
Bong gân được nhận định là tai nạn có thể thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hiện đại.
Bong gân thường có những dấu hiệu phổ biến như sưng, đau, tím bầm vùng chấn thương, khớp tại khu vực đó cũng không thể cử động hoặc vận động bình thường.
Người ta phân chia 3 mức độ nặng nhẹ của bong gân. Ở mức độ 1, dây chằng bị rách một phần nhỏ, thường hồi phục sớm trong khoảng 1 tuần. Ở mức độ 2, dây chằng bị rách nhiều hơn và cần đến 2-3 tháng để hồi phục. Ở mức độ 3, dây chằng bị đứt hoàn toàn, có thể gây lỏng lẻo khớp hoặc trật khớp, cần phải được sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, để có thể chẩn đoán chính xác được mức độ bong gân, dù nặng hay nhẹ, bạn cũng cần đến sự kiểm tra của các bác sĩ chuyên khoa. Sau khi chẩn đoán mức độ bong gân, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị hay có thể về nhà tự điều trị và phục hồi. Song, điều đó không có nghĩa là bạn phó mặc chuyện bong gân, ngồi chờ bác sĩ can thiệp.
Việc sơ cứu bong gân đúng cách có thể giúp thời gian điều trị được rút ngắn đáng kể, cơ thể sớm phục hồi và hoạt động bình thường.
Để có thể chẩn đoán chính xác được mức độ bong gân, dù nặng hay nhẹ, bạn cũng cần đến sự kiểm tra của các bác sĩ chuyên khoa.
Sơ cứu bong gân đúng cách – Bước đầu tiên cần phải làm trong thời gian đợi bác sĩ
PGS.TS Nguyễn Vĩnh Ngọc khẳng định, việc xử trí sớm và đúng cách khi bị bong gân cũng như các chấn thương khác nói chung sẽ giúp nạn nhân hạn chế đau đớn ở mức thấp nhất, tránh xảy ra thêm những thương tổn khác và tạo thuận lợi cho những can thiệp tiếp theo, giúp bạn sớm phục hồi, khỏe mạnh hoàn toàn. Để đạt được những mục tiêu đó, nếu có nạn nhân bị bong gân, bạn cần:
- Ngừng mọi hoạt động ở vùng khớp bị tổn thương. Có thể bảo vệ chi bị bong gân bằng cách sử dụng nẹp y tế nếu khớp bị lỏng lẻo, đau nhiều.
- Chườm đá lạnh lên vùng chi bị bong gân. Ngoài ra có thể thay bằng khăn lạnh, khăn ướt hoặc túi chườm đổ đầy nước lạnh để hạn chế sưng sau khi bị bong gân. Mỗi lần chườm 10-20 phút, có thể chườm đá liên tục sau 30 phút. Chườm lạnh càng sớm càng tốt vì sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm sưng phù nề vùng bị bong gân.
Chườm lạnh càng sớm càng tốt vì sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm sưng phù nề vùng bị bong gân.
- Băng ép vùng bị bong gân bằng băng chun. Băng cuốn hoặc băng ống làm từ sợi chun hoặc neopren là tốt nhất. Dùng các loại băng co giãn, bản rộng quấn vòng quanh vùng tổn thương, các mép băng chồng lên nhau ½ đến 2/3 bề dày băng. Khi băng, chú ý không băng quá chặt vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu, sưng nề vùng chi ở dưới nơi tổn thương.
- Nâng cao chi bị bong gân mỗi khi có thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng. Có thể dùng băng treo tay nếu bong gân ở tay hoặc nằm gối chân cao bằng gối mềm nếu bong gân ở chân.
Sau những bước sơ cứu bong gân cơ bản này, bạn cần chuyển bệnh nhân đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, chấn thương chỉnh hình… để xác định bong gân nặng hay nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị bong gân nặng cần được thăm khám càng sớm càng tốt:
Sau những bước sơ cứu bong gân cơ bản này, bạn cần chuyển bệnh nhân đến thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Nghe thấy tiếng khục khi khớp bị thương, không thể cử động khớp. Lúc này chuyển bệnh nhân vào viện cấp cứu ngay, trên đường đi cần chườm lạnh liên tục.
- Bệnh nhân bị sốt, vùng bị bong gân đỏ và nóng.
- Không cảm thấy đỡ đau, sưng sau 2-3 ngày.