Suy tuyến thượng thận, hoại tử khớp vì tiêm Corticoid chữa ngứa da đầu
Nghe lời đồn có loại thuốc tiêm vào người sẽ khỏi ngứa da đầu, nạn nhân mua về làm theo và lãnh hậu quả nặng nề.
Ngày 30-12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, nơi đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Trần Thanh T., (38 tuổi, nhà ở Đak Lak) bị biến chứng vì tiêm Corticoid.
Theo lời kể của Anh T., do da đầu bị ngứa, anh nghe mọi người xung quanh hướng dẫn có loại thuốc tiêm từ 10–12 mũi thì sẽ khỏi. Sau hơn 10 ngày tiêm liên tục, chưa hết ngứa da đầu, nạn nhân đã thấy cơ thể mình phù lên, da sạm đen, mỏi mệt, mụn trứng cá nổi khắp người.
Tuyến thượng thận nằm trên đỉnh hai quả thận. (Ảnh : Internet)
Hoảng sợ, người đàn ông dừng tiêm thuốc. Tuy vậy sau một thời gian, tình trạng trên vẫn không thuyên giảm. Tại BV ĐHYD sau khi thăm khám, các BS chẩn đoán bệnh nhân đã suy tuyến thượng thận mạn vì sử dụng lượng Corticoid quá nhiều trong thời gian dài, ảnh hưởng tới xương khớp như loãng xương, hoại tử vô trùng chỏm xương đùi của khớp háng,…
TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tổng hợp BV ĐHYD cho biết, loại thuốc mà Anh T. đã tiêm không xác định rõ nguồn gốc sử dụng và khi có những triệu chứng bất thường thì người bệnh mới đến bệnh viện. Khi xét nghiệm máu có cortisol giảm nặng và phát hiện người bệnh bị suy tuyến thượng thận, các BS xác định người bệnh có tiêm thuốc Corticoid nhưng bản thân lại không biết.
"Khi được theo dõi và điều trị suy thượng thận vài tháng, người bệnh cảm thấy đau mơ hồ ở khớp háng làm đi lại khó khăn. Người bệnh được chẩn đoán bị hoại tử khớp háng có thể liên quan với biến chứng dùng corticoid không phù hợp. Kết quả chụp MRI cho thấy người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên" – BS Quang cung cấp.
Người bệnh sử dụng Corticoid phải có chỉ định của bác sĩ.
PGS TS BS. Bùi Hồng Thiên Khanh – Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD cho biết, người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi hai bên do dùng Corticoid liều cao, chân bên trái nặng hơn chân phải.
Đây là một biến chứng rất đặc biệt, đôi khi chụp X – Quang rất khó phát hiện, cần phải khảo sát sâu hơn bằng chụp MRI khớp háng. Để giải quyết tình trạng này, ekip điều trị đã phải thay khớp háng bên trái toàn phần, phần chân bên phải do nhẹ hơn nên được bảo tồn.
Từ trường hợp này, các BS cảnh báo người dân phải thận trọng trong việc sử dụng thuốc, không nên nghe theo tin đồn dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Khi người bệnh sử dụng Corticoid phải có chỉ định của bác sĩ và theo dõi liên tục các biến chứng có thể xảy ra như gây hoại tử các khớp lớn, đặc biệt là khớp xương đùi, chỏm xương đùi, khớp háng.