Bằng đại học xếp loại trung bình có xin được việc?
Không ít sinh viên ra trường với tấm bằng xếp loại trung bình, họ lo lắng về quá trình xin việc sau này.
Hiện không ít sinh viên tốt nghiệp đại học loại trung bình hoặc sắp sửa kết thúc 4 năm đại học với kết quả học tập không quá cao. Vậy những sinh viên này khi đi xin việc có gặp nhiều khó khăn và được các đơn vị tuyển dụng chú ý đến?
Bằng đại học xếp loại trung bình xin việc được không?
Để có thể được nhận vào làm việc tại vị trí phù hợp và lĩnh vực mong muốn, ngoài trang bị cho bản thân kinh nghiệm cùng kiến thức về chuyên ngành bạn cũng nên quan tâm đến mục tiêu của nhà tuyển dụng.
Hiện đa số các nhà tuyển dụng không quá chú trọng về xếp loại bằng cấp, điều họ chú trọng nhiều nhất là kiến thức bạn tích lũy được trong quá trình học, để tránh mất thời gian đào tạo lại. Đây sẽ là một trong những đánh giá quan trọng đầu tiên của nhà tuyển dụng với bạn.
Bên cạnh đó, dù sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc rõ ràng, nhưng nhà tuyển dụng luôn muốn nhân sự phải có kinh nghiệm thực tế như: tham gia các dự án, thực tập, hoạt động tình nguyện hoặc các vị trí công việc liên quan. Đây là cách để các nhà tuyển dụng đánh giá được khả năng áp dụng kiến thức đã học công việc thực tế của ứng viên như thế nào, thay vì dựa vào bằng cấp.
Là sinh viên mới ra trường tìm việc, bạn cần chú ý một điều ngoài chuyện bằng cấp đó là tinh thần ham học hỏi, chủ động và luôn giữ thái độ tích cực. Trong công việc, chắc hẳn bạn sẽ còn rất nhiều sai sót và không tránh khỏi việc mắc sai lầm khi mới vào công ty. Cho nên, việc sở hữu những tố chất trên là điều rất quan trọng.
Dù vậy, bằng cấp vẫn là một trong những lợi thế lớn giúp quá trình xin việc của bạn diễn ra dễ dàng hơn. Vì điều này phản ánh một phần sức học của bạn trong suốt thời gian qua và nhà tuyển dụng thường nhìn vào xếp loại bằng cấp ở vòng sàng lọc hồ sơ để xét tuyển ứng viên vào vòng tiếp theo.
Kinh nghiệm xin việc dành cho sinh viên năm cuối
CV là một trong những yếu tố quan trọng định đoạt mức độ thành công của ứng viên. Với nhà tuyển dụng, CV không chỉ là bản thông tin về quá khứ mà còn giúp họ đánh giá rõ nhu cầu và khả năng của ứng viên đối với công việc.
Trong CV xin việc, bạn cần trình bày cụ thể các bằng cấp chứng chỉ và kinh nghiệm đã tích lũy được khi đi học. Điều này giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn đã cố gắng và nỗ lực thế nào trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra, trước khi đến buổi phỏng vấn, bạn hãy ghi nhớ những thông tin cần thiết về công ty và lĩnh vực kinh doanh, cũng như nhấn mạnh thành tựu đã đạt được. Điều này giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao tính trung thực và sự chuẩn bị của bạn trong quá trình xin việc.
Đặc biệt, hãy cân nhắc thời gian đến buổi phỏng vấn đúng giờ, khoảng 15 phút trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. Ứng viên nên lựa chọn trang phục lịch sự, phù hợp với vị trí ứng tuyển khi đi phỏng vấn. Khi tham gia phỏng vấn, hãy lắng nghe kỹ lưỡng và trả lời câu hỏi nhanh chóng, bình tĩnh, và dứt khoát.
Ngoài ra, sinh viên cần trang bị thêm cho mình một số kỹ năng mềm và các chứng chỉ cần thiết ngay từ sớm nhằm giúp quá trình xin việc diễn ra thuận lợi hơn.